Sử dụng sai mục đích
Hai căn nhà ở địa chỉ số 470-472 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM đang được rào tôn vây kín. Mặt tiền của 2 căn nhà treo 2 tấm biển thông báo to tướng “Đất công do Nhà nước quản lý” và “Cấm tụ tập mua bán”. Khoảng sân rộng phía trước được người dân tận dụng làm chỗ để xe chở rác, đậu xe hơi.
“Nhà cửa nằm trên tuyến đường đắc địa, buôn bán sầm uất như vậy mà để không từ bao lâu nay. Trong khi tui thuê bán quán nước ở đây đã là cả chục triệu mỗi tháng”, chị Ngọc Trâm bán nước gần đó tâm sự.
Còn chị Phan Thị Bông cũng bán hàng gần khu nhà 470-472 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh cho biết, mặt bằng giá thuê nhà buôn bán trên đường này mỗi tháng không dưới 30 triệu đồng. Trong khi cả 2 căn nhà để không, phường vừa tốn công sức, nhân viên quản lý, lại không thu được tiền cho thuê.
Tương tự, chúng tôi rảo dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng (thuộc TP Thủ Đức) cũng bắt gặp nhiều khu đất cắm biển thông báo “Đất công do Nhà nước quản lý, nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm, chiếm dụng, kinh doanh trái phép, xây dựng lều bạt…”.
Chỉ riêng đoạn đường Phạm Văn Đồng (đoạn đi qua phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), hai bên đường có đến 5-6 biển thông báo “Đất công do Nhà nước quản lý...”. Có khu đất rộng vài trăm mét vuông, nhưng cũng có miếng chỉ chừng vài chục mét vuông.
Hầu hết các khu đất công này đều bỏ trống, không sử dụng, cỏ mọc um tùm hoặc thành nơi đổ rác thải bừa bộn. Khu đất công ở chân cầu vượt thuộc khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức được người dân tận dụng làm nơi chứa bàn ghế.
Ông Nguyễn Văn Ba cư ngụ gần đó cho biết: “Giá đất mặt tiền đường Phạm Văn Đồng mỗi mét vuông giờ trên dưới 100 triệu đồng. Vậy mà khu đất công gần chân cầu Bình Triệu nhiều tháng nay bỏ hoang đã biến thành bãi rác tự phát, gây ô nhiễm môi trường”.
Bên cạnh việc bị bỏ hoang phí, nhiều nhà, đất công còn bị sử dụng sai mục đích. Điểm nóng về sử dụng đất công không đúng mục đích là đường Nguyễn Hữu Thọ (khu vực phường Tân Hưng, quận 7).
Nhiều khu đất công được quy hoạch làm công viên cây xanh, đường giao thông đã bị “phù phép” biến thành quán nhậu, điểm dịch vụ trông giữ xe. Trong số đó, địa điểm mà người dân bức xúc phải kể đến là quán nhậu Vườn Dừa.
“Theo quy hoạch, khu đất này để xây dựng công viên cây xanh phục vụ cộng đồng, nhưng từ nhiều năm nay không thấy công viên đâu, chỉ thấy mọc lên khu nhà hàng quán ăn có quy mô rộng hàng trăm mét vuông”, một người dân cư ngụ gần quán Vườn Dừa bức xúc.
Còn tại khu phố 5, phường Tân Hưng, quận 7, một khu đất rộng hàng ngàn mét vuông được quy hoạch làm đường giao thông nhưng cũng được sử dụng làm... bãi trông giữ xe!
Quản lý khó, bán cũng không dễ
Nhà, đất công do các phường, xã quản lý tuy diện tích không lớn nhưng số lượng không ít. Thực trạng chung hiện nay là phần lớn bị bỏ hoang, một số khu đất bị chiếm dụng, hoặc sử dụng, cho thuê sai mục đích.
Ông Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 9 (cũ) cho biết, đất công do phường xã quản lý thường manh mún, lại đan xen trong khu dân cư nên khó quản lý, dễ bị lấn chiếm sử dụng.
“Mỗi khi đất công đã bị chiếm thì việc thu hồi gian nan vô cùng. Như tại phường Long Bình, chính quyền phát hiện 11 khu đất bị lấn chiếm, nhiều lần vận động người dân hoàn trả cho Nhà nước vẫn không được. Để lấy lại đất, chính quyền phải ban hành 11 quyết định hành chính, phải thực hiện cưỡng chế thu hồi. Rất tốn kém và mất công sức”, ông Nguyễn Văn Thành thổ lộ.
Theo chính quyền nhiều phường xã, công tác quản lý, giữ đất công gặp khó khăn. Nhiều lãnh đạo phường xã cho biết, biện pháp phổ biến hiện nay là tổ chức cắm biển, treo bảng thông báo “Khu đất công, cấm chiếm dụng”.
“Phường xã không có lực lượng chuyên trách để kiểm tra, phát hiện xử lý các đối tượng xâm phạm đất công. Trong khi các đối tượng xấu có mưu đồ chiếm dụng đã nhổ bỏ, làm rách biển báo rồi sau đó tiến hành lấn chiếm dần. Mỗi khi cán bộ phát hiện khu đất bị lấn chiếm thì việc đã rồi, mà để cưỡng chế buộc hoàn trả lại đất không dễ”, một chủ tịch UBND phường của TP Thủ Đức cho biết.
Trong khi đó, để đấu giá hay bán nhà, đất công bị bỏ hoang, sử dụng sai mục đích nhằm thu tiền cho ngân sách lại không đơn giản. Về thực trạng, phần lớn nhà đất công do phường xã quản lý có nguồn gốc hình thành chủ yếu từ giải tỏa còn sót lại hoặc từ san lấp kênh rạch cũ… nên manh mún, nhỏ lẻ. Còn những khu nhà đất trên các tuyến đường lớn lại có giá cao, khả năng sinh lợi lớn lại chưa có quy định, quy trình cụ thể cho việc tổ chức bán đấu giá.
Về mặt pháp lý, luật sư Thái Văn Chung (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo Luật Đất đai 2013 cũng như các quy định pháp luật liên quan, cấp phường xã có trách nhiệm quản lý nhà đất trên địa bàn nhưng không có thẩm quyền định đoạt như mua bán, sử dụng. Việc sử dụng nhà đất công vào mục đích gì, kế hoạch sử dụng như thế nào, cũng như bán đấu giá đều do cấp trên quyết định. Cụ thể, căn cứ Nghị định 169/2017 quy định sắp xếp lại, xử lý tài sản công, thì thẩm quyền quyết định việc bán, đấu giá tài sản trên đất và quyền sử dụng đất do UBND TPHCM quyết định.