Lãng phí - giặc nội xâm - Bài 3: “Chảy máu” nguồn lực công

Trên khắp cả nước, chúng ta không khỏi xót xa khi thấy hàng loạt tài sản công bị bỏ hoang, nhiều công trình thi công dở dang, “đắp chiếu”, những dự án đầu tư cả ngàn tỷ đồng nhưng ít người sử dụng… Hệ lụy là một phần nguồn lực công - vốn đã eo hẹp so với nhu cầu thực tế, đã không được khai thác hiệu quả, mà bị “chảy máu”, gây bức xúc lớn trong xã hội.

Lãng phí “đất vàng”

Khu đất số 1 Lý Thái Tổ (quận 10, TPHCM) cùng đường Hùng Vương và Trần Bình Trọng tạo thành khu “tam giác vàng”. Khu đất này khoảng 3,7ha, bao bọc cụm 7 căn biệt thự cũ và cây xanh cùng một số công trình, là cơ sở nhà đất công do Bộ Ngoại giao quản lý, bị “bỏ hoang” nhiều năm qua.

Trái ngược với cảnh sầm uất trên các con đường lớn xung quanh, hiện trạng khu đất có vị trí đắc địa này và cụm công trình bên trong luôn bao trùm một không khí vắng lặng và xuống cấp nghiêm trọng. Sâu bên trong, các căn biệt thự không người ở đang ngày một xuống cấp, rác thải chất thành đống, khuôn viên cỏ cây mọc um tùm.

W5b.jpg
Cảnh nhếch nhác bên trong khu “đất vàng” số 1 Lý Thái Tổ, quận 10, TPHCM. Ảnh: ĐÔNG SƠN

Một bảo vệ làm việc tại cổng số 1B đường Lý Thái Tổ cho biết, bên trong các căn biệt thự vẫn còn tài sản chưa di dời, nhưng lâu ngày không được sử dụng, bảo dưỡng nên đa phần hư hỏng.

Ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ quận 3, TPHCM) tiếc nuối vì khu “đất vàng” này hoàn toàn có thể mang lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách, thế mà lại bị bỏ hoang nhiều năm, vừa gây lãng phí lớn vừa làm xấu diện mạo đô thị. Người dân, cử tri quận 10 (TPHCM) đã nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng về sự lãng phí trên và đề nghị có giải pháp khai thác hiệu quả khu đất như xây trung tâm thương mại, công trình văn hóa hoặc bán đấu giá...

Theo đại diện Sở Tài chính TPHCM, khu đất nói trên dự kiến được Bộ Ngoại giao chuyển giao về TPHCM quản lý, phát triển thành khu phức hợp. Thành phố hiện đã chủ động giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan, đến khi tiếp nhận là bắt tay triển khai những bước tiếp theo. Vấn đề là… chưa rõ ngày nào khu đất sẽ được chuyển giao!

Tình trạng công trình, tài sản công bỏ hoang cũng xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. TP Hà Nội cũng có một số dự án nhà ở cơ bản hoàn thành bị bỏ hoang nhiều năm qua, như khu tái định cư Trần Phú (quận Hoàng Mai) với 2 tòa nhà chung cư 9 tầng và 15 tầng xây dựng từ năm 2018, phục vụ giải phóng mặt bằng Công viên Tuổi trẻ Thủ đô.

Sau nhiều năm không có người ở, khu nhà tái định cư ngày một xuống cấp. Tương tự, dự án nhà ở tái định cư N01-D17 (quận Cầu Giấy) khởi công xây dựng từ năm 2010 và hoàn thành vào 2013, song đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng. Một dự án cũng gây bức xúc dư luận là 5 tòa chung cư thuộc dự án giãn dân phố cổ Hà Nội nằm ở phường Thượng Thanh (quận Long Biên) cũng bị bỏ hoang hơn 10 năm qua.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, các dự án nhà ở bỏ hoang rất lãng phí, nhất là trong bối cảnh nhiều người dân có thu nhập thấp vẫn đang thiếu chỗ ở. Sự hoang phí đó có tác động không nhỏ đẩy giá bất động sản tăng, ngày càng vượt xa năng lực chi trả của người dân.

Trao đổi với Phóng viên Báo SGGP, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng nhắc đi nhắc lại, theo quy định của pháp luật về đất đai, dự án bất động sản phải được triển khai, đưa vào sử dụng trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chủ đầu tư dự án nhận bàn giao đất. Quá thời hạn trên, nếu chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng mà không có lý do chính đáng thì có thể bị thu hồi diện tích đất đã nhận bàn giao.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án sẽ bị xử phạt nếu không thực hiện triển khai đầu tư xây dựng theo tiến độ, nội dung dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Để hạn chế tình trạng công trình bỏ hoang, gây lãng phí, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai đầu tư đối với các dự án bất động sản, xử lý nghiêm các vi phạm, tháo gỡ những vướng mắc nhằm sớm đưa dự án vào khai thác.

Rêu phong bao phủ công trình hàng ngàn tỷ đồng

Đầu tư công có ý nghĩa quan trọng với đất nước, là đòn bẩy đối với các ngành và vùng trọng điểm phát triển, kích thích đầu tư tư nhân, từ đó thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân... Tuy nhiên, lãng phí trong đầu tư công ở nước ta đang khá phổ biến trên nhiều lĩnh vực.

Tại TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), phóng viên Báo SGGP ghi nhận cảnh dãy nhà cao tầng của 2 bệnh viện đang nứt vỡ lỗ chỗ, mốc meo như nhà hoang, đầy rêu phong cỏ dại… Không thể hình dung đây là cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai, với vốn đầu tư lần lượt là 4.968 tỷ đồng và 4.990 tỷ đồng. Hai công trình này có quy mô 1.000 giường bệnh được Bộ Y tế làm lễ khởi công rầm rộ vào năm 2014, nhưng chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được sử dụng từ tháng 3-2019 đến tháng 3-2020 rồi… đóng cửa; còn cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức hiện… chưa mở cửa!

Lĩnh vực thể thao cũng “không kém cạnh” về độ lãng phí tài sản công. Nhà thi đấu thể thao tỉnh Hà Nam hơn 7.000 chỗ ngồi cùng hệ thống trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế, vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng cuối năm 2014. Trước khi được nâng cấp phục vụ thi đấu môn futsal tại SEA Games 31 (năm 2022), nhà thi đấu này đăng cai một số giải thể thao, sau đó hoạt động cầm chừng, hầu như cửa đóng then cài.

Tương tự, Cung Thể thao Tiên Sơn được xây dựng ở vị trí đắc địa tại quận Hải Châu (TP Đà Nẵng), có tổng diện tích hơn 9,4ha, nhưng chỉ có 1,04ha được sử dụng xây nhà thi đấu. Công trình xây dựng từ năm 2009 với chi phí 42 triệu USD (hơn 740 tỷ đồng theo tỷ giá tại thời điểm đó), đưa vào sử dụng từ tháng 12-2010. Công trình này còn được đầu tư thêm 80 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp phục vụ cho các sự kiện tại APEC Việt Nam 2017. Nhưng đến nay, các sự kiện văn hóa, thể thao được tổ chức tại đây khá ít, thu không đủ bù chi phí vận hành.

Một điển hình về lãng phí nguồn lực đầu tư khác là dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, dài 131km, có tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng. Dự án đóng vai trò quan trọng trong phát triển hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh này được khởi công vào năm 2005, nhưng gần 20 năm trôi qua, đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Theo ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), dự án đã được giải ngân hơn 4.340 tỷ đồng (gần 57%), nhưng các hạng mục vẫn thi công dở dang. Các gói thầu mua sắm ray, tà vẹt đã mua trị giá 771 tỷ đồng, nhưng chỉ được lắp đặt một phần (khoảng 105 tỷ đồng). Số còn lại “đắp chiếu” tại một số ga và kho bãi, không những chất lượng giảm mà còn phát sinh kinh phí trông coi, bảo quản, bảo dưỡng.

Về dự án này, khi còn là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Thắng (nay là Bộ trưởng Bộ GTVT) đã nhiều lần đề nghị sớm khởi động lại để tránh lãng phí. Tuy nhiên, do vốn đầu tư hoàn thiện công trình rất lớn và thực tiễn đã có nhiều thay đổi trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên việc thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa không còn khả thi!

Tình hình sắp xếp nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên cả nước

 Hơn 262.000 nhà, đất phải sắp xếp lại.

 Hơn 183.000 cơ sở (chiếm 69,8%) nhà, đất đã được cấp

có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp.

 Hơn 79.000 cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt phương án sắp xếp.

Trong đó:

 Bộ Quốc phòng: 12.611 cơ sở

 Tỉnh Tuyên Quang: 10.936 cơ sở

 TPHCM: 9.115 cơ sở

 Tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước

tại doanh nghiệp: 7.587 cơ sở

 Bộ TT-TT: 3.679 cơ sở

 Bộ Công an: 2.753 cơ sở

 Tỉnh Sơn La: 2.016 cơ sở

 Tỉnh Hà Giang: 1.725 cơ sở

 Tỉnh Vĩnh Long: 1.390 cơ sở

 TP Hải Phòng: 1.329 cơ sở

 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: 1.300 cơ sở

(Báo cáo kết quả thực hành chống lãng phí năm 2023 ngày 25-4-2024 của Chính phủ - Tổng hợp: NGÔ BÌNH)

Tin cùng chuyên mục