Lãng phí - giặc nội xâm - Bài 2: Sức ỳ từ bộ máy

Nhiều sự việc gây ra lãng phí trong những năm qua có xuất phát từ “bệnh” đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Chưa nói đến tình trạng nhũng nhiễu, chính sự cầu toàn, sợ rủi ro cùng với tư duy cũ kỹ, lạc hậu và việc cán bộ chậm, ngại đổi mới, thiếu năng động sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm đang tạo ra sức ỳ trong bộ máy. Tình trạng này đã gây lãng phí lớn cho xã hội, nhất là lãng phí cơ hội phát triển.

Ách tắc trong phối hợp

Hàng ngàn căn hộ ở khu tái định cư tại phường An Khánh (khu tái định cư Bình Khánh, thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TPHCM) được hoàn thành từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa có người ở. Dù vậy, có năm TPHCM chi hơn 70 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng các căn hộ tái định cư đang bị bỏ trống trên địa bàn, nhưng điều đó vẫn không ngăn được tình trạng xuống cấp của các căn hộ.

V5a.jpg
Khu tái định cư Bình Khánh, thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TPHCM được hoàn thành từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa có người ở. Ảnh: CHÍ THẠCH

Theo đề nghị của TPHCM, Thủ tướng có kết luận cho phép bán đấu giá. Thành phố đã đưa ra giá khởi điểm cho cụm 3.790 căn hộ này là 8.800 tỷ đồng (năm 2017), 9.100 tỷ đồng (năm 2018) và 9.900 tỷ đồng (năm 2021) nhưng sau 3 lần đưa ra bán đấu giá đều không có người mua. Cuối năm nay, thành phố lại hoàn tất một loạt thủ tục để tiếp tục đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư này. Do các căn hộ trên được tạo lập bằng nguồn vốn ngân sách cùng vốn vay ngân hàng và theo thẩm quyền, TPHCM phải xin ý kiến từ Trung ương và được sự đồng ý của Thủ tướng. Song, việc kéo dài thời gian xử lý, để hàng ngàn căn hộ hoang phế là rất lãng phí, nhất là ở một đô thị đông dân, nhiều người gặp khó khăn về chỗ ở như TPHCM.

Trên thực tế, công tác phối hợp giữa các cơ quan hành chính đang là bất cập lớn, làm chậm trễ việc giải quyết công việc, dễ dẫn đến lãng phí. Về vấn đề này, Thủ tướng từng có văn bản 622/TTg-TH (tháng 7-2023) chỉ đạo khắc phục triệt để tình trạng chậm trễ xử lý kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan gửi đến. Địa phương, đơn vị có kiến nghị, đề xuất cũng phải tích cực đôn đốc các bộ ngành, cơ quan chức năng giải quyết. Tương tự, ở từng tỉnh thành, sự phối hợp giữa các sở ngành với cấp huyện cũng là một điểm nghẽn cố hữu. Trong các hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi không ít lần đề cập đến công tác phối hợp chưa nhịp nhàng, như để tham mưu UBND TPHCM, công văn cứ liên tục “chạy qua, chạy lại” giữa các đơn vị, thậm chí có khi một vấn đề, phải bàn tới bàn lui nhiều lần.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, trong kết luận về trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp được công bố công khai vào ngày 17-10, Thanh tra Chính phủ xác định, sự chậm trễ còn đến từ tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Cụ thể, kiểm tra trong giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính quá hạn chiếm đến 15,5% (85.270 hồ sơ). Kiểm tra số liệu thực tế trên hệ thống một cửa điện tử của Sở Xây dựng, Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai, hồ sơ quá hạn chiếm hơn 50%. Ngoài ra, có 824 hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN-MT đã quá hạn (do chưa có thông báo về thực hiện nghĩa vụ tài chính của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai), nhưng trên hệ thống một cửa điện tử của sở lại ghi đã hoàn thành xử lý và thống kê là giải quyết trong hạn quy định. Kiểm tra xác suất 58 hồ sơ quá hạn thì có 8 hồ sơ quá hạn từ 40 ngày đến… 24 tháng.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, sự chậm trễ là do trách nhiệm của một số thành viên UBND tỉnh và thủ trưởng cơ quan, tổ chức trong giải quyết một số vụ việc chưa cao. Trong đó, 13/58 hồ sơ kiểm tra xác suất quá hạn là xuất phát từ hiện tượng né tránh, lòng vòng, đùn đẩy trách nhiệm. Kiểm tra tại Bộ GTVT về cùng nội dung trên trong các năm 2021-2023, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện Công ty Lê Quốc trực tiếp nộp hồ sơ tại Cục Hàng hải Việt Nam, nhưng 10 tháng sau đó cục mới làm thủ tục tiếp nhận hồ sơ. Rồi sau đó, Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ nhiều lần là không đúng quy định.

Một bộ phận cán bộ cầu toàn, thụ động và sợ rủi ro

Thời gian qua, nhiều giải pháp được đưa ra để khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm. Trong đó, năm 2023, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 24-CT/TU (về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội). Qua một năm thực hiện Chỉ thị 24, Hà Nội đã kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ, phát hiện 873 tổ chức, cá nhân có vi phạm và xử lý 368 tổ chức, cá nhân. Kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị ở TP Hà Nội được cải thiện, song vẫn còn tình trạng năng lực thực tế của một số cán bộ chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Trên phạm vi cả nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội về công tác quản lý cán bộ, công chức, cho biết kết quả xếp loại chất lượng công chức năm 2023 có 14.733 người không hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 1,75%). Tư tưởng thụ động chờ quyết định của cấp trên là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc không hoàn thành nhiệm vụ.

Báo cáo chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và PGI (Chỉ số xanh cấp tỉnh) năm 2023 của Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tính năng động tiên phong của bộ máy chính quyền địa phương năm 2023 giảm so với các năm trước. Bên cạnh đó, có 20% số doanh nghiệp cho biết, phản ứng của tỉnh khi có điểm chưa rõ trong chính sách/văn bản trung ương là “trì hoãn thực hiện, xin ý kiến chỉ đạo” và “không làm gì”… Những con số biết nói trên phần nào lý giải, sau khi Luật Đất đai có hiệu lực hơn 2 tháng (từ ngày 1-8-2024), vẫn chưa có tỉnh thành nào ban hành đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền, thậm chí một số địa phương chưa ban hành văn bản nào để triển khai luật. Do đó, ngày 10-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện 105/CĐ-TTg tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai, đã phê bình các tỉnh thành còn chậm trễ ban hành văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành luật này.

Nếu sự chậm trễ đưa Luật Đất đai vào thực tiễn cuộc sống làm ảnh hưởng đến lợi ích của các tổ chức cá nhân, đến cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thì sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công càng không thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Ở đó, năng lực thực thi của cán bộ, công chức, của bộ máy là nguyên nhân chính, khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước trong 9 tháng đầu năm chỉ ước đạt 47,29% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (51,38%).

Trước kết quả này, ngày 8-10, Thủ tướng có Công điện 104/CĐ-TTg đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phê bình 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm dưới mức trung bình cả nước. Trong danh sách 23 địa phương này, Quảng Nam là địa phương vừa bị phê bình vì chậm trễ ban hành chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, vừa bị phê bình vì tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình chung. Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết giải thích, tỉnh đang trong giai đoạn thực hiện kết luận kiểm tra. Qua đó, 124 cán bộ, hơn 30 tổ chức đảng bị xử lý, làm xuất hiện tình trạng không dám làm, sợ sai, gây ảnh hưởng trực tiếp đến công việc và giải ngân vốn đầu tư công.

Không để “chủ trương mới, cách làm cũ”

Tại buổi làm việc với TPHCM vào ngày 5-10, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận định, Nghị quyết 98/2023/QH15 là cơ chế, chính sách đặc thù để tạo đột phá nhưng nhiều nội dung TPHCM vẫn phải làm theo quy trình, thủ tục hiện hành thì… nghe sai sai. Đồng chí lưu ý là cần đổi lại cách làm, các cơ quan bộ ngành phải đeo bám TPHCM, hỗ trợ thành phố tháo gỡ được các khó khăn, không để tình trạng “chủ trương mới, cách làm cũ”.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng bày tỏ đồng tình về việc các bộ ngành phải tháo gỡ cho TPHCM chứ không để TPHCM phải đề xuất lên và nhấn mạnh cách làm mới là “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Tin cùng chuyên mục