Lãng phí - giặc nội xâm - Bài 1: Rào cản lớn vì pháp luật chậm hoàn thiện

Không thể phủ nhận về những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng đơn giản hóa thủ tục, quy trình, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song, thực tế hiện còn rất nhiều ngành, lĩnh vực gặp bất cập về quy định pháp luật, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, bỏ lỡ cơ hội phát triển.

LTS: “Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển... Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu rõ như vậy trong bài viết “Chống lãng phí”, ngày 13-10-2024. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, phòng chống lãng phí phải được thực hiện quyết liệt, đồng bộ và với nhiều giải pháp hữu hiệu, đặc biệt là “cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng chống tham nhũng, tiêu cực…”.

Bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhận được sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước. Từ số báo hôm nay 21-10, Báo SGGP khởi đăng loạt bài “Lãng phí - Giặc nội xâm”, với nhiều dẫn chứng cụ thể, như là những lát cắt, nội soi về sự lãng phí ở “hầu khắp mọi ngóc ngách”; góp thêm giải pháp chung tay phòng chống lãng phí hiệu quả, làm gia tăng các nguồn lực chăm lo nhân dân, làm giàu cho đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

350 tỷ đồng xét nghiệm nồng độ cồn bất hợp lý

Chỉ có 10 chữ xuất hiện trong 1 thông tư mà đã làm lãng phí 350 tỷ đồng trong 3 năm. Đó là chuyện xảy ra tại Bộ GTVT. Ngày 17-10, Thanh tra Chính phủ có công bố công khai kết luận về trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ GTVT, xác định tại Thông tư 01/2021 ngày 27-1-2021 của Bộ GTVT có sửa đổi, bổ sung một số điều về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ có yêu cầu thêm thủ tục hành chính ngoài luật.

Kết luận nêu, giai đoạn 2021-2023, Bộ GTVT cơ bản đã đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, bộ chậm ban hành kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo yêu cầu của Chính phủ; chưa thực thi đầy đủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đối với 3/237 thủ tục hành chính là thực hiện không đúng quyết định của Thủ tướng. Bộ cũng ban hành thông tư chưa thống nhất, đồng bộ giữa các điều, khoản, dẫn đến gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, Thông tư 01/2021 yêu cầu hồ sơ học lái mô tô hạng A1, A4 đã tự đặt thêm thủ tục hành chính, là vi phạm về những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật.

Trong thông tư quy định mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe, do Bộ GTVT và Bộ Y tế ban hành, có chỉ định “xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở” - đây là 10 chữ không cần thiết mà chúng tôi đề cập ở trên, làm tăng chi phí cho người dân khi đề nghị cấp mới hoặc đổi giấy phép lái xe. Thực tế, theo số liệu của Cục Đường bộ Việt Nam từ ngày 1-1-2021 đến ngày 1-1-2023, toàn ngành giao thông vận tải cấp gần 9.978.000 giấy phép lái xe các loại. Thanh tra Chính phủ xác định, người dân đã phải chi khoảng 350 tỷ đồng (đơn giá 35.050 đồng/xét nghiệm) xét nghiệm nồng độ cồn bất hợp lý khi khám sức khỏe để được cấp bằng lái.

Bãi giữ xe tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trên đường Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: CHÍ THẠCH

Bãi giữ xe tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trên đường Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: CHÍ THẠCH

Ở khía cạnh ngược lại, quy trình thủ tục rườm rà vừa làm cản trở việc thực thi vừa gây lãng phí cho người dân, cho xã hội. Đơn cử, nhiều kho để tang vật, phương tiện vi phạm về an toàn giao thông ở các địa phương trên địa bàn TPHCM rơi vào cảnh quá tải. Hàng chục ngàn xe máy, ô tô phơi mình đến bạc màu, biến dạng dần dưới nắng mưa, trong khi việc xử lý vướng nhiều quy định, tốn thời gian. Theo thống kê, trong các đợt cao điểm xử lý vi phạm giao thông, mỗi ngày lực lượng cảnh sát giao thông TPHCM tạm giữ gần 500 phương tiện vi phạm. Tính cả năm 2023, cảnh sát giao thông TPHCM tạm giữ hơn 150.000 mô tô và ô tô vi phạm giao thông.

Tốc độ xử lý phương tiện vi phạm không tương đồng với số lượng phương tiện bị tạm giữ, xe bị tạm giữ nhiều hơn xe lấy ra khiến số phương tiện tồn ở bãi tạm giữ ngày càng tăng. Nhiều nơi không đủ chỗ chứa, phương tiện phải xếp chồng như “núi”, chờ xử lý. Không ít phương tiện trở thành... sắt vụn.

Thực trạng này là khá phổ biến ở nhiều tỉnh thành. Hết thời hạn tạm giữ (theo quy định) mà chủ phương tiện được thông báo vẫn không đến nhận, xe sẽ bị tịch thu bán đấu giá. Nhưng để ra quyết định tịch thu, đấu giá, chúng ta phải qua rất nhiều bước, nhiều khâu, từ xác minh - đối chiếu thông tin, thông báo, tịch thu, thẩm định, đấu giá… với thời gian kéo dài, thậm chí tận 2 năm.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa có chuyển biến rõ rệt. Lãng phí vẫn còn nghiêm trọng nhưng việc phát hiện, xử lý vẫn còn hạn chế, gây bức xúc trong xã hội.

U3a.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kết luận phiên họp thứ 26 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 14-8

Trong bài viết “Chống lãng phí” ngày 13-10-2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp tục chỉ rõ một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay. Đó là chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp. Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức.

Thủ tục hành, doanh nghiệp hủy kế hoạch kinh doanh

Một số dẫn chứng nêu trên chỉ là vài lát cắt trong thực tiễn về những bất cập trong quy định gây ra sự lãng phí lớn tài sản của người dân, của Nhà nước. Trên phạm vi cả nước, có nhiều vướng mắc pháp lý trong quy hoạch, sử dụng đất; về cơ chế tài chính và ngân sách; về chính sách thu hút đầu tư và doanh nghiệp; về cơ sở hạ tầng, giao thông; về phát triển nông nghiệp và nông thôn… Thậm chí, lãng phí hữu hình còn dẫn đến lãng phí vô hình không thể đong đếm hết được, nhất là lãng phí cơ hội, lãng phí niềm tin.

Thanh tra Chính phủ xác định ở dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt mở rộng trên diện tích hơn 47.800m2 tại phường Dĩ An, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương có vi phạm, dẫn đến nguy cơ thất thoát hơn 190 tỷ đồng (từ tiền huy động vốn từ năm 2018), nên đề nghị Bộ Công an vào cuộc. Ảnh: ĐÔNG SƠN

Thanh tra Chính phủ xác định ở dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt mở rộng trên diện tích hơn 47.800m2 tại phường Dĩ An, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương có vi phạm, dẫn đến nguy cơ thất thoát hơn 190 tỷ đồng (từ tiền huy động vốn từ năm 2018), nên đề nghị Bộ Công an vào cuộc. Ảnh: ĐÔNG SƠN

“TPHCM kiến nghị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý. Về phần TPHCM sẽ nghiên cứu, tham mưu để sớm đề xuất những cơ chế, chính sách tháo gỡ những khó khăn, tồn tại” - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nêu kiến nghị trong buổi làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Thành ủy TPHCM, ngày 17-8-2024.

Ở lĩnh vực đầu tư, nhiều doanh nghiệp nước ngoài phản ánh về sự nhiêu khê trong việc xin giấy phép tuyển chuyên gia từ nước ngoài. Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố trong tháng 10-2024 cho thấy, xin giấy phép cho lao động nước ngoài là 1 trong 3 trở ngại lớn nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu.

Ông Colin Blackwell, Trưởng Nhóm Nguồn nhân lực Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) phản ánh, quy định hiện hành đòi hỏi người lao động phải xin giấy phép lao động tại nơi dự kiến làm việc và cập nhật từng địa điểm khi người lao động được cử đi làm việc ở các địa phương khác nhau. Quy định như vậy là không thực tế trong nhiều trường hợp, mà nên mở rộng hiệu lực về mặt địa lý của giấy phép lao động, đơn giản hóa quy trình xét duyệt hồ sơ, cho phép các trường hợp ưu tiên xử lý nhanh hồ sơ cấp giấy phép lao động đối với các dự án có tác động lớn, các dự án có khoản đầu tư lớn hoặc dự án có hồ sơ tuân thủ tốt...

Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức tại tỉnh Hà Nam đã hoàn thành các khối nhà nhưng bị bỏ hoang lâu nay, gây lãng phí. Ảnh: CTV

Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức tại tỉnh Hà Nam đã hoàn thành các khối nhà nhưng bị bỏ hoang lâu nay, gây lãng phí. Ảnh: CTV

Báo cáo chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và PGI (Chỉ số Xanh cấp tỉnh) năm 2023 của Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI - thông qua khảo sát 9.127 doanh nghiệp tư nhân trong nước và 1.549 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) cũng chỉ rõ, năm 2023, 20,4% doanh nghiệp vẫn phải dành trên 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật. Qua phản ánh của doanh nghiệp, có thể thấy trở ngại trong tiếp cận đất đai có dấu hiệu gia tăng. Đáng lưu ý là gần 73% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai...

baocaopci.png

Tin cùng chuyên mục