Di tích này được đầu tư hàng chục tỷ đồng trùng tu, tôn tạo nhằm bảo tồn và phát triển tham quan du lịch, thế nhưng hiện đang dần mai một theo thời gian với một tòa thành hầu như trống rỗng, thưa thớt khách tham quan, gây lãng phí một tài nguyên văn hóa - du lịch có giá trị.
Di tích dần bị thu hẹp
Thành cổ Biên Hòa tọa lạc trên đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh (TP Biên Hòa) - nằm ngay trung tâm thành phố và chỉ cách UBND TP Biên Hòa chừng 300m. Di tích có cổng thành, tường thành, lô cốt, biệt thự phía Tây Bắc, công trình kiến trúc phía Đông được xây dựng bằng đá ong gạch thẻ từ thời nhà Nguyễn; cùng khuôn viên với nhà 2 tầng, nhà kho xây dựng sau năm 1975.
Bên trái cổng thành có khoảng 10 hộ lấn chiếm đất cất nhà để sinh sống và buôn bán cách đây 20 năm, có một số hộ đã có sổ đỏ và thực hiện việc mua bán sang nhượng, buôn bán nhếch nhác làm mất mỹ quan di tích. Phía bên kia là dãy nhà hành chính được xây dựng trên móng tường thành, có chiều dài chừng hơn 100m với kios kề nhau nối đoạn thành cũ làm tường thành bị biến dạng. Giữa cuộc sống nhộn nhịp của phố phường, thành cổ lặng lẽ khuất sau những căn nhà tạm bợ, nhếch nhách như đang bị lãng quên.
Anh Nguyễn Công Trinh (54 tuổi) sống gần thành cổ, cháu rể của ông Lương Văn Lựu (tác giả cuốn Biên Hòa sử lược toàn biên) cho biết, trước đây đường vào thành trải nhựa, hai bên có hàng me tây cao, tỏa bóng mát và cổng thành cũng thiết kế khá đơn giản, 2 cánh cửa bằng sắt sơn màu nâu đậm. Không còn vẻ “rêu phong thành cổ” do di tích nay được phủ lên màu sơn vàng, diện tích thu hẹp còn 1/8 do bị xâm lấn. Tường thành hơn 400m nhưng một phần phía Đông đã đổ nát, chỉ còn chân móng; một lô cốt khá nguyên vẹn cũng bị mất mái. Khuôn viên thưa thớt cây xanh, cỏ phủ kín và không có lối đi, nay đã trở thành nơi đậu xe của cán bộ, viên chức có trụ sở liền kề.
Khu biệt thự phía Tây Bắc có một tầng trệt, 2 tầng lầu được xây dựng theo kiến trúc Pháp, có tường chịu lực, mái lợp ngói móc… nhưng tường của các căn phòng nhiều chỗ bong tróc, ẩm mốc, rễ cây đâm sâu làm đứt mạch xây; dầm thép hoen rỉ. Hệ thống bậc thang tại tầng lầu được sơn sửa với các bậc, con tiện bằng gỗ, hành lang rộng rãi nhưng 8 phòng trong biệt thự trống rỗng, có một vài vật dụng, bàn làm việc mô phỏng thời sĩ quan Pháp làm việc. Trong không gian vắng lặng đó, hệ thống đèn vàng mờ nhạt thi thoảng được bật lên càng làm thành cổ thêm cô quạnh. Tầng áp mái đang là nỗi lo với nguy cơ sụp đổ từng mảng lớn, bị thấm dột... và thật đáng thương cho một tòa thành cổ chưa được phát huy xứng tầm!
Trùng tu chưa đến nơi đến chốn
Ngay trong khuôn viên và bên phải cổng thành cổ có trụ sở tạm của một số đơn vị của chính Sở VH-TT-DL tỉnh, trong đó có Ban Quản lý di tích - danh thắng (QLDT-DT) Đồng Nai. Gần đó, nối vào tường thành có các kios thuộc thửa đất 19 (diện tích 282,4m2) và thửa 20 (diện tích 162,9m2) do Hợp tác xã TM-DV Quang Vinh quản lý, cho các hộ dân thuê án ngữ phía trước mặt tiền di tích. Năm 2015, Ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh Đồng Nai đã báo cáo UBND tỉnh đề nghị thu hồi diện tích này. Sau đó, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương thu hồi trước ngày 20-1-2017, nhưng đến nay chủ trương này vẫn còn nằm trên giấy. Ngạc nhiên hơn là đang có 3.277 tiêu bản có giá trị thu thập được bên trong và ven thành, số hiện vật là đồ gia dụng chiếm đến 98,1% thuộc các thời kỳ lịch sử và nguồn cội văn hóa khác nhau như Óc Eo, Chămpa, Chân Lạp… vẫn chưa có nơi trưng bày nên thành cổ giờ “chỉ còn cái xác”.
Từ năm 2014 -2017, UBND tỉnh Đồng Nai đã đầu tư hơn 41 tỷ đồng để trùng tu và bảo tồn nhà cổ phía Đông, nhà cổ phía Tây, hàng rào thành cổ, xây mới nhiều công trình phụ khác phục vụ khách tham quan miễn phí. Tuy nhiên, do việc trùng tu chưa đến nơi đến chốn cùng tình trạng nhếch nhác ở mặt tiền của thành cổ nên mỗi năm nơi đây chỉ đón khoảng 2.000 - 3.000 lượt khách tham quan - con số rất ít so với tầm cỡ một di tích quốc gia. Ngay cả người dân đã sinh sống lâu năm ở Biên Hòa cũng ít người biết đến sự tồn tại của di tích này.
Một cán bộ quản lý di tích thừa nhận, việc trùng tu mới chỉ phục hồi được tường thành của người Pháp xây dựng (đã phá bỏ thành cũ và tận dụng vật liệu đá ong để xây thành mới) chưa làm toát lên giá trị của một công trình quân sự - hành chính - kiến trúc cổ nên cũng chưa thu hút được du khách viếng thăm.
Hướng đi nào?
Thạc sĩ Trần Quang Toại (Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội khoa học và kỹ thuật Đồng Nai, nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Nai), người có nhiều năm nghiên cứu về thành cổ cho biết: Để phát huy giá trị thành cổ cần kết hợp du lịch văn hóa, mỗi sản phẩm du lịch ứng với điểm tham quan tương ứng, có phim tư liệu về quá trình hình thành và phát triển của di tích. Tự bản thân thành cổ là một tài sản quý giá nên “hãy lấy bản thân thành cổ tự nuôi thành cổ” bằng việc đầu tư vào dịch vụ du lịch văn hóa để phát triển du lịch về nguồn. Thạc sĩ Trần Quang Toại cho rằng: “Di tích Thành cổ Biên Hòa phải được gìn giữ và không thể di dời. Nhưng di tích thường bị xâm lấn vì quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa nên cần có phương án phù hợp, đảm bảo kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di tích với phát triển kinh tế”.
Thiết nghĩ, trước thực trạng đáng buồn của di tích Thành cổ Biên Hòa, các cơ quan, ban ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai cần sớm vào cuộc giải quyết để di tích không biến thành phế tích. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai cũng cần có chiến lược đầu tư, khai thác để giữ được nét độc đáo của thành cổ, vừa tạo sự riêng biệt về văn hóa của địa phương, hướng tới phát huy giá trị của di tích Thành cổ Biên Hòa, nhất là trong phát triển du lịch. Thành cổ Biên Hòa nằm ở khu vực có trục đường giao thông kết nối liên tỉnh và các tuyến du lịch đường thủy trên sông Đồng Nai nên có thể kết nối với tour của TP Biên Hòa tạo thành các sản phẩm du lịch vùng Đông Nam bộ.
UBND TP Biên Hòa đang xây dựng đề án khai thác và phát huy giá trị di tích Thành cổ Biên Hòa giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn 2030 nhằm kiện toàn đội ngũ cán bộ, công tác quản lý, đề ra giải pháp phát huy, khai thác di tích kết hợp với dịch vụ du lịch văn hóa gắn với đặc thù địa phương. |