Lãng phí đất công


Không chỉ không lấy lại được đất (đã cho các doanh nghiệp trực thuộc các bộ thuê trước đây) để xây dựng trường học, mà ngay cả tiền thuê nhà đất công, TPHCM cũng không đòi được. Có trường hợp cho thuê hơn 10 năm qua, TP không lấy được một xu!
Hiện trạng khu đất số 6 Thái Văn Lung, quận 1 Ảnh: CAO THĂNG
Hiện trạng khu đất số 6 Thái Văn Lung, quận 1 Ảnh: CAO THĂNG

Phù phép sử dụng miễn phí đất vàng

Điều nghịch lý này đang xảy ra tại địa chỉ số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé (quận 1). Khu đất có diện tích 4.522m2, được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng vào năm 2002 cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM (nay là Công ty TNHH MTV Quản lý và kinh doanh nhà - QLKDN) với thời hạn thuê đất là 50 năm, mục đích là kinh doanh cho thuê. Trước đó, Công ty QLKDN đã cho 2 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là Hãng phim truyện Việt Nam (nay là Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam - PTVN) và Công ty Fafilm Việt Nam thuê làm trụ sở làm việc. Khu nhà từ cổng nhìn vào nằm bên tay phải do Fafilm sử dụng ổn định. Nhưng khu nhà còn lại, trong quá trình sử dụng, PTVN đã phá vỡ và xây dựng 2 khối nhà mới, tất cả rắc rối đến từ đây. 

Cụ thể, bằng các văn bản hợp tác, PTVN với phần đất của mình thuê là 1.208m2 đã xây dựng thành 2 khối nhà: một khu nhà 4 tầng (74m2 đất) làm văn phòng điều hành; một khối nhà 11 tầng (1.134,7m2 đất) làm Trung tâm giao lưu văn hóa điện ảnh. Theo lý giải của PTVN, 2 công trình này là kết quả của liên doanh Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt Nhật và Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Du lịch Sài Gòn (gọi tắt là Công ty Sài Gòn). Về hiện trạng sử dụng, theo một báo cáo trước đây của Sở Xây dựng thì khu nhà 4 tầng đang sử dụng làm văn phòng làm việc, phòng dựng phim, phòng lồng tiếng, phòng nghỉ cho đạo diễn… của PTVN.

Khối nhà 11 tầng do Công ty Sài Gòn sử dụng và thuê Công ty Rồng Bay quản lý, cho 20 đơn vị trong và ngoài nước thuê làm văn phòng. Ngoài ra, phần sân bên trái từ ngoài nhìn vào, đơn vị che mái ngói để cho thuê kinh doanh ăn uống. Theo thỏa thuận ký kết vào năm 2005, PTVN ký hợp đồng hợp tác với Công ty  Sài Gòn, “được chia lãi tối thiểu là 30 triệu đồng/tháng”.

Điều trớ trêu là, khối nhà 4 tầng do PTVN sử dụng, tính từ năm 2012 đến nay không trả tiền thuê nhà cho TP, chỉ tính riêng trong 2,5 năm: từ 1-1-2012 đến ngày 30-6-2014 nợ 554,3 triệu đồng. Đối với khối nhà 11 tầng, Công ty Sài Gòn nợ tiền thuê nhà từ năm 2007 đến nay, chỉ tính từ ngày 1-1-2007 đến ngày 30-6-2014 nợ 12 tỷ đồng. Vì sao vậy?

Núp bóng bộ?

Nguyên khởi bắt đầu vào năm 2000, Bộ Văn hóa - Thông tin có văn bản đồng ý cho PTVN được sử dụng diện tích đất tại số 6 Thái Văn Lung để liên doanh với các đối tác trong nước nhằm mục đích xây dựng khu trung tâm văn hóa đa năng và văn phòng đại diện PTVN, với điều kiện phải thành lập một pháp nhân mới, trình bộ phê duyệt trước khi trình cấp có thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư. Tuy nhiên, PTVN đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Sài Gòn mà không thực hiện theo các yêu cầu của bộ. Thống kê các văn bản pháp lý về việc xây dựng của khu đất, cơ quan chức năng khẳng định “2 khối nhà 4 tầng và 11 tầng được chủ đầu tư xây dựng không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, nghĩa là đều xây dựng không phép.

Theo một cán bộ của Công ty QLKDN, về nguyên tắc, PTVN là pháp nhân ký hợp đồng thuê chứ không phải là đơn vị sử dụng thuê, nhưng câu chuyện đang đẩy đi theo hướng khác: PTVN phải trả tiền thuê hay là đơn vị nào sử dụng thì đơn vị đó trả tiền thuê? Trước đây, các cơ quan chức năng từng có hướng xử lý là khối nhà 4 tầng sẽ cho PTVN ký hợp đồng thuê, còn khối nhà 11 tầng sẽ bán cho đơn vị đang quản lý sử dụng.

Nhưng sau khi rà soát, toàn bộ 2 khu nhà bị vướng quy hoạch nên TP đưa ra hướng là không bán, mà đơn vị nào sử dụng trực tiếp thì đơn vị đó trả tiền thuê nhà, đồng thời Công ty QLKDN tiếp tục quản lý. Cụ thể, căn cứ đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 và Quy chế quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị khu trung tâm hiện hữu TPHCM (đã được UBND TPHCM phê duyệt vào năm 2012 và năm 2013), toàn bộ khối nhà 4 tầng thuộc lộ giới đường Lê Lợi nối dài sau lưng Nhà hát TP, khối nhà 11 tầng là công viên. Hiện nay hướng giải quyết đang nằm trên bàn Thanh tra Chính phủ, vì đơn vị này đang thanh tra việc cổ phần hóa của PTVN.

Cũng theo nhận xét của Công ty QLKDN, vấn đề nằm ở chỗ vì doanh nghiệp trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và bộ này cũng có văn bản can thiệp, rồi sau đó có sự tham gia của Bộ Tài chính, dẫn đến kéo dài sự việc. “Vì đây là doanh nghiệp trực thuộc nên bộ mới có chủ trương để đầu tư xây dựng trụ sở, thành các nhà cao tầng. Nếu chỉ là một đơn vị thuê nhà bình thường thì làm gì có chuyện đó, mình có cho phép đâu mà được xây, nhà thuộc sở hữu nhà nước thì chỉ thuê và sửa theo hiện trạng thôi chứ làm gì có chuyện thay đổi kết cấu, tăng diện tích sử dụng”, một cán bộ Công ty QLKDN nhận xét. Việc cho thuê mà không thu được tiền thuê tại số 6 Thái Văn Lung kéo dài hơn 10 năm qua là một biến tướng lãng phí sử dụng đất công, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, là “con voi chui lọt lỗ kim”, ai chịu trách nhiệm?

              Sẽ cưỡng chế thu hồi khu đất 232 Nguyễn Tất Thành

Ông Bùi Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND quận 4, cho biết quận vừa  trình UBND TPHCM dự thảo Kế hoạch cưỡng chế thu hồi khu đất 232 Nguyễn Tất Thành (phường 13, quận 4). 

Địa chỉ nhà đất số 232 đường Nguyễn Tất Thành có diện tích 3.136,9m2, được TP quy hoạch xây dựng Trường THCS Nguyễn Tất Thành, đã có chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án. Tuy nhiên, 3 năm qua, từ UBND quận 4 cho đến UBND TPHCM đã tốn không biết bao nhiêu “thư đi, tin lại” mà vẫn không thu hồi được đất, chỉ vì lấn cấn một “doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương”, đó là Công ty cổ phần Xây lắp III - Petrolimex. Cho đến tháng 5 vừa rồi, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải mới ký văn bản gửi UBND TPHCM, khẳng định công ty nói trên không thuộc sự quản lý trực tiếp của bộ. 

Tin cùng chuyên mục