Theo truyền hình Russia Today, Tổng thống Putin nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan về những giải pháp chấp nhận được, nhưng điều này phụ thuộc vào họ - chúng tôi không phải phía đã từ chối đàm phán”.
Trong phát biểu với báo giới hôm 22-12, Tổng thống Putin cũng đã khẳng định Nga mong muốn chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, và chắc chắn sẽ cần phải có một giải pháp ngoại giao cho vấn đề này. Phát biểu được nhà lãnh đạo Nga đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có chuyến thăm Mỹ và gặp người đồng cấp nước chủ nhà Joe Biden. Đây được cho là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Zelensky kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2-2022.
Cho tới nay, nhiều vòng đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã diễn ra nhưng không đạt được kết quả đột phá và vẫn đang bế tắc. Ukraine luôn nói rằng họ sẽ không đàm phán cho đến khi Moscow rút quân.
Tuy nhiên, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ hồi tháng 11-2022 đã gây chấn động khắp các thủ đô phương Tây khi ông tuyên bố rằng cuộc xung đột ở Ukraine là không thể thắng bằng các biện pháp quân sự thuần túy. Nhận xét của ông không chỉ thách thức lập trường của Kiev mà còn của nhiều nước phương Tây ủng hộ Kiev. Theo ông, cuộc xung đột đã gây thiệt hại nặng nề cho Ukraine và phương Tây, cũng như cho Nga. Hơn 6 triệu người Ukraine buộc phải rời nhà cửa, nền kinh tế Ukraine đang rơi vào tình trạng rơi tự do và cơ sở hạ tầng thiệt hại nặng có nguy cơ dẫn đến một thảm họa nhân đạo.
Nhiều người tự tin dự đoán rằng, thương mại và công nghiệp của Nga sẽ bị nghiền nát bởi sức nặng của các biện pháp trừng phạt do các chính phủ phương Tây áp đặt. Người ta cho rằng áp lực kinh tế cực đoan như vậy có thể đủ để buộc Moscow phải rút khỏi Ukraine. Nhưng áp lực kinh tế hiếm khi đủ để chấm dứt chiến tranh. Nền kinh tế của Nga đã bị thu hẹp vào năm 2022, nhưng chỉ ở mức 3%, ít hơn đáng kể so với dự báo của một số người và hệ thống tài chính của nước này đã được chứng minh là bền vững và ổn định về mặt kinh tế vĩ mô.
Xung đột càng kéo dài, hơn ai hết người dân Ukraine phải hứng chịu những nỗi kinh hoàng. Số người chết và chi phí tài chính cho cuộc chiến sẽ tiếp tục tăng. Theo các nhà phân tích, cuộc xung đột này càng kéo dài, hậu quả của nó càng tồi tệ. Vết thương của cuộc xung đột phải mất nhiều thế hệ mới có thể chữa lành.