Người dân thôn 3, xã Phước Lộc từ lâu đã nổi tiếng với nghề dụ ong về các bọng cây rừng làm tổ để khai thác mật. Từ đó, cái tên “làng Ong” trở nên thân thuộc. Vụ sạt lở núi vào cuối tháng 10-2020 đã khiến cả ngôi làng hư hại gần như toàn bộ, nhiều người chết, cây cối ngã đổ khiến ong bỏ đi.
Ngay sau đó, tỉnh Quảng Nam đã tập trung các nguồn lực (hơn 13 tỷ đồng) để tái thiết “làng Ong”. Một khu tái định cư kiên cố rộng khoảng 1ha được xây dựng cách nơi ở cũ chừng 500m, là nơi dựng nhà mới của 30 hộ dân. Gần 3 năm tái thiết, những ruộng lúa, vạt đẳng sâm đã tươi tốt trở lại trên vùng đầy sỏi đá. Tháng 3, khi thời tiết ấm áp, cũng là lúc người dân sửa lại những bọng cây cũ và đục thêm bọng trên những cây mới để ong về làm tổ.
Gia đình già Yên vốn là một trong những hộ khá giả nhất làng với hàng trăm bọng cây nuôi ong, rẫy lúa, quế, nhưng vụ sạt lở năm ấy đã cuốn trôi toàn bộ tài sản tích góp, bà Yên cũng ra đi mãi mãi. “Người mất thì cũng mất rồi, giờ mình phải làm lụng nuôi thân... Năm vừa rồi, ong đã về lại, cho thu hoạch gần 100 lít. Năm nay, nắng lên, mình ráng đi rừng già xa hơn để đục bọng cho ong vào làm tổ. Lúa, bắp là để ăn hàng ngày, còn mật ong là phần để dành phòng ốm đau”.
Anh Hồ Văn Thước cũng mất vợ trong vụ sạt lở, 3 đứa con đang tuổi đi học, anh phải ráng gồng mình làm lại từ đầu. Rẫy quế anh trồng sau sạt lở đã cao ngang bụng, vườn đẳng sâm cũng đến kỳ thu hái, giúp anh lo cho việc học của 3 con.
“Thời gian đầu khó khăn lắm, nhưng được nhà nước giúp làm nhà, mình cũng bớt sợ mỗi khi mưa gió. Lúa cũng đủ ăn, vườn đẳng sâm nay lớn rồi, khi thương lái đặt hàng là mình lên rẫy nhổ bán được 300.000 đồng/kg. Mỗi lần bán được vài triệu đồng gởi xuống thành phố cho đứa lớn học đại học, 2 đứa sau học trường nội trú dưới huyện”, anh Thước tâm sự.
Con đường từ trung tâm xã đến làng chừng 15km bị sạt lở, nay đã được đầu tư sửa chữa. Hàng loạt công trình cầu đường đang thi công để kết nối bản làng với bên ngoài. Để hỗ trợ người dân quay trở lại cuộc sống bình thường, chính quyền xã Phước Lộc cũng cấp hạt giống, cử cán bộ đến hướng dẫn bà con trồng trọt nông sản, dược liệu và chữa bệnh cho vật nuôi.
Ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết, đến nay bà con đã cơ bản ổn định tinh thần và quay trở lại cuộc sống như trước. Bà con ở thôn 3 nổi tiếng khắp vùng là cần cù, chịu khó, sau sạt lở đã bắt tay ngay vào lao động, cộng với hỗ trợ của chính quyền, đã dần làm ăn khấm khá.