Trước nhiều thách thức về công tác cán bộ, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Muốn đẩy lùi được tình trạng suy thoái, tiêu cực trong Đảng, phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, cả về giáo dục, rèn luyện, quản lý; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, cơ chế, luật pháp của Nhà nước; sự giám sát, giúp đỡ của Nhân dân và phát huy tính tự giác, trách nhiệm của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên”.
Sự giám sát, giúp đỡ của Nhân dân, lắng nghe ý kiến Nhân dân trong công tác cán bộ là hết sức cần thiết. Việc làm này trước nay cũng đã được tiến hành thông qua việc lấy ý kiến Nhân dân ở nơi cư trú; lấy ý kiến ở cơ quan, đơn vị nơi cán bộ làm việc và thông qua các kênh thông tin, phản ánh, tiếp xúc, đối thoại… Tuy nhiên, việc tiếp dân và lắng nghe ý kiến góp ý của dân cũng chưa được thường xuyên. Nhiều trường hợp cán bộ hưu trí muốn gặp lãnh đạo cũng không phải là điều dễ dàng.
Để chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, Ban Thường vụ Thành ủy có kế hoạch khảo sát, tiếp nhận ý kiến của Nhân dân góp phần xây dựng TPHCM sáng tạo đi đầu cùng cả nước, vì cả nước. Qua đây, thể hiện sự cầu thị, tôn trọng Nhân dân, phát huy tinh thần dân chủ của lãnh đạo thành phố.
Các ý kiến góp ý sẽ được tiếp nhận qua nhiều kênh, kể cả gặp gỡ, góp ý trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo. Nội dung góp ý theo từng chuyên đề, trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị…
Qua đây, Thành ủy sẽ khơi dậy và tiếp nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, ý tưởng sáng tạo bằng trí tuệ, tấm lòng, trách nhiệm và tình yêu thành phố của người dân. Việc lãnh đạo thành phố lắng nghe trực tiếp theo chuyên đề, có lẽ sẽ hết sức thực chất, có chiều sâu; mỗi lần mời cần gọn, theo mục đích, yêu cầu cuộc gặp; người cần nghe không nói nhiều mà để thời gian nghe nhiều hơn.
Góp ý về công tác cán bộ cho thành phố sẽ không tách rời những vấn đề về công tác cán bộ nói chung của cả nước, sẽ là việc làm hết sức có ý nghĩa cho việc lớn, việc chung, nhất là sắp bước vào “mùa đại hội”.
Những vấn đề đặt ra trong công tác cán bộ đang được nhiều người quan tâm. Mặc dù có nhiều quy định về tiêu chuẩn, về những điều không được làm, về quy trình, quy hoạch khá bài bản, chặt chẽ nhưng trong chọn lựa cán bộ còn để xảy ra không ít trường hợp cán bộ không đủ chuẩn vào bộ máy lãnh đạo, kể cả ở cấp cao.
Trách nhiệm thuộc về ai, của tập thể, hay cá nhân người đứng đầu, của bộ phận tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ tới đâu đối với những sai sót trong công tác cán bộ. Đã biết được 12 loại chạy, từ chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển đến chạy phiếu tín nhiệm, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu… Còn không? - những kiểu chạy siêu đẳng, tinh vi cần phải cảnh giác và chủ động ngăn chặn.
Các khâu của công tác cán bộ được xem là còn nhiều thiếu sót như nhận xét, đánh giá còn nể nang, né tránh, hình thức; quy hoạch còn dàn trải, khép kín; chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn trùng lắp, nặng lý thuyết, chưa gắn với thực tiễn, với chức danh; quản lý cán bộ thiếu chặt chẽ…
Trong đó, nhận xét, đánh giá cán bộ hiện nay còn coi trọng kết quả phiếu đánh giá hơn là thước đo hiệu quả công việc. Tiêu chuẩn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ còn nặng về bằng cấp, chứng chỉ… Nhiều cán bộ học tại chức cũng không được xem xét vào cấp ủy. Nếu quá máy móc thì còn gây khó khăn cho những người tận tụy, dám nghĩ, dám làm…
Việc phân công, phân cấp còn chồng chéo, chưa làm rõ trách nhiệm dẫn đến tình trạng không ít cán bộ không dám đương đầu trong giải quyết công việc; cứ đùn đẩy, sợ sai, dựa vào tập thể hoặc lạm quyền.
Làm thế nào để không thể trốn tránh trách nhiệm cá nhân và để kiểm soát quyền lực cũng là vấn đề cần làm rõ. Trong công tác cán bộ, trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu đến mức nào cũng cần được giao cụ thể; nếu không, cái gì cũng đổ lỗi cho tập thể mà thực chất là cuối cùng không ai chịu trách nhiệm.
Trong tình trạng các văn bản pháp luật còn chồng chéo, còn xung đột, cán bộ công chức, viên chức gặp khó khăn và rất áp lực trong hành xử công việc, nhất là đối với những lĩnh vực nóng. Việc xem xét, đánh giá cán bộ thế nào cho khách quan trong những trường hợp không phải cố ý làm trái, không tiêu cực, vụ lợi. Không ít trường hợp xin nghỉ việc vì sự đánh giá và sắp xếp không phù hợp...
Còn nhiều vấn đề đặt ra cần có giải pháp khắc phục, kể cả việc tiếp tục giảm những thủ tục hành chính rườm rà để phát huy trách nhiệm, cảm hứng sáng tạo trong làm việc đối với đội ngũ cán bộ. Trên cơ sở lắng nghe, những gì vượt thẩm quyền, thành phố sẽ mạnh dạn kiến nghị để cần thiết có thêm quy định hoặc sửa đổi, bổ sung những quy định đã có.
Thực tiễn và cuộc sống luôn có lời giải cho những bài toán khó. Hy vọng, ý kiến góp ý từ Nhân dân sẽ là những chỉ dẫn tin cậy, góp phần thúc đẩy sự phát triển, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh- một Đảng luôn vì lợi ích của Nhân dân, luôn phấn đấu để xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông HOÀNG NGỌC KHUÊ, Cán bộ hưu trí, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức: Chọn cán bộ gần dânLâu nay, trong công tác cán bộ tại một số vị trí cũng có lấy ý kiến của đảng viên, cán bộ hưu trí và người dân ở địa phương, thông qua các cuộc họp chi bộ, khu phố hoặc tổ dân phố. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến còn sơ sài, hình thức. Thông tin về lý lịch và quá trình công tác của cán bộ được cung cấp tại các cuộc họp này, nhưng người dân không có nguồn để kiểm chứng. Do đó, việc nhận xét, đánh giá nhằm hỗ trợ cho việc lựa chọn, đề bạt cán bộ không đi vào thực chất. Mặt khác, cũng có tình trạng người dân không quan tâm và ngại đưa ra ý kiến về công tác cán bộ, hoặc có tâm lý cho rằng việc lựa chọn cán bộ đã được “cơ cấu” sẵn, có ý kiến cũng không được ghi nhận. Theo tôi, muốn thực hiện hiệu quả việc lựa chọn cán bộ có tâm, có tầm thì cán bộ đó phải thể hiện rõ năng lực để người dân thấy được, hiểu được. Đó phải là những kết quả đo lường được. Muốn như vậy thì cán bộ phải gần dân, đồng hành với dân. Để công tác lựa chọn cán bộ thực chất, chọn người có tâm, có tầm thì ngoài những yếu tố cơ bản (như về lý lịch trong sạch, bằng cấp đáp ứng đủ tiêu chuẩn) còn phải đánh giá quá trình rèn luyện, công tác, thử thách trong công việc. Nên thu thập ý kiến đánh giá từ nhiều nguồn, nhưng phải đảm bảo tính bảo mật để những ý kiến đó thực chất và thẳng thắn. Đặc biệt, cần phải quy rõ trách nhiệm cho người làm công tác tham mưu, phê duyệt quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, để phòng ngừa tình trạng bổ nhiệm “thần tốc” hoặc cố tình đưa các cán bộ không trong sạch vào bộ máy. Ông TRẦN BÁ HÀ, Bí thư Chi bộ Khu phố 1, phường Bến Nghé, quận 1: Hiếm khi lấy ý kiến của người dân Tại nơi tôi sinh sống và sinh hoạt Đảng, trong thời gian qua, việc lựa chọn, đề bạt cán bộ cũng có lấy ý kiến từ cơ sở, chủ yếu là ý kiến nhận xét của Đảng ủy khu phố, nhưng vẫn mang tính hình thức, thiếu sát sao. Riêng việc lấy ý kiến của người dân về công tác cán bộ thì rất hiếm. Thông thường việc lấy ý kiến người dân về công tác cán bộ chủ yếu thông qua văn bản hoặc lấy ý kiến trực tiếp qua hội nghị cử tri, hội nghị nhân dân, nhưng phần lớn người dân ngại đưa ra ý kiến. Sở dĩ như vậy bởi người dân khó tiếp cận được thông tin của cán bộ và hầu hết chỉ nắm thông tin qua báo chí, qua lời đồn đoán. Cán bộ có đi xuống gặp dân nhưng cũng khá hời hợt, thậm chí có cán bộ còn không biết đến các hoạt động thực tiễn của nhân dân nên không biết nhân dân cần gì. Theo tôi, khi chọn cán bộ thì trước tiên phải chọn được cán bộ có niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự nghiệp của nhân dân, tin vào nhân dân. Những ai lơ là với nhân dân thì không nên chọn. Khi lấy ý kiến người dân trong công tác cán bộ, không tránh khỏi những đánh giá cảm tính. Vì vậy, việc thu thập thông tin đánh giá cán bộ cần phải đa chiều, nhiều mặt nhưng tổ chức Đảng phải chọn lọc, phân tích một cách biện chứng để lựa chọn được cán bộ ưu tú nhất. Cùng với đó cần công khai, minh bạch về việc lựa chọn cán bộ, tăng cường tính giám sát của người dân và của cơ quan mà cán bộ được lựa chọn về công tác. THU HƯỜNG |