Làng nghề xoay xở giữa mùa dịch

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có hàng chục làng nghề khác nhau, gồm gỗ mỹ nghệ, gốm, điêu khắc đá, rèn... Khó khăn do dịch Covid-19 đã thúc đẩy các làng nghề tìm hướng khác để tồn tại. Trong đó, nhiều nơi chủ động chuyển hướng sang khai thác thị trường nội địa và thực hiện giao thương trực tuyến.
Cơ sở đồ gỗ Tiến Vy nỗ lực vượt qua dịch bằng những sản phẩm chất lượng
Cơ sở đồ gỗ Tiến Vy nỗ lực vượt qua dịch bằng những sản phẩm chất lượng

Anh Nguyễn Hoàng, chủ doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tại xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, cho hay, đã 3 tháng nay, 1 cơ sở sản xuất và 2 cửa hàng của gia đình anh phải đóng cửa. Hàng chục thợ đã về quê hoặc đi nơi khác, hiện cơ sở của anh Hoàng chỉ còn khoảng  gần 20 thợ. Do không đủ điều kiện tổ chức phương án sản xuất “3 tại chỗ”, nên các công nhân này vẫn ở nhà trọ, hàng tháng anh Hoàng phải ứng tiền từ 4-5 triệu/người để giữ chân lao động. Nhiều hàng hóa do cơ sở làm ra trước đó không đi giao được, và hàng chục công trình đã hợp đồng thi công nội thất gỗ không thể thực hiện được vì nguyên liệu gỗ nhập khẩu về còn nằm ở cảng. 

Cơ sở sản xuất đồ gỗ của gia đình anh Ngô Huỳnh Diệu, xã Xuân Hưng, cũng gặp khó tương tự. Hiện nay, anh Diệu chỉ duy trì chưa đầy chục công nhân để sản xuất một số đơn hàng tồn đọng.

Làng gốm mỹ nghệ Đồng Nai là một trong những làng nghề tuyền thống nổi tiếng nhất của tỉnh, các sản phẩm sản xuất ra hơn một nửa là xuất khẩu sang các nước, còn lại tiêu thụ ở khu vực trong nước. Từ tháng 3-2020 đến nay, mặt hàng gốm mỹ nghệ tiêu thụ chậm lại nên các cơ sở gốm buộc phải giảm công suất, hoặc tạm ngừng hoạt động...

Đối mặt với tình hình khó khăn chung, các làng nghề ở Đồng Nai đã chủ động chuyển hướng sang khai thác thị trường nội địa và tập trung tìm kiếm cơ hội mới; đồng thời để duy trì sản xuất, kinh doanh, các cơ sở đã chuyển qua giao thương trực tuyến.

Anh Nguyễn Văn Sỹ, chủ Cơ sở đồ gỗ Tiến Vy tại TP Biên Hòa, cho biết, cơ sở của anh quay về thị trường trong nước, tìm các khách hàng mê gỗ mỹ thuật trang trí trong nhà, sân vườn. Để thu hút người tiêu dùng trong nước, anh và thợ thiết kế ra những mẫu mã mới, đẹp, giá cạnh tranh. Nhờ năng động tìm hiểu nhu cầu của thị trường trong nước, tìm thêm các khách hàng khu vực phía Nam, miền Trung và miền Bắc nên tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của làng nghề đã sáng sủa hơn trong thời gian gần đây.

Cũng tìm được đầu ra, ông Đỗ Minh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Gốm mỹ nghệ Hoàng Mỹ ở Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP Biên Hòa), cho hay, từ khi xảy ra dịch bệnh, ông chuyển sang liên hệ, trao đổi với khách hàng bằng trực tuyến. Ngoài việc giới thiệu các mặt hàng gốm sẵn có, ông Sơn còn tư vấn thêm cho khách hàng lựa chọn những sản phẩm phù hợp với trào lưu, nội thất, màu sắc của căn nhà hoặc sân vườn... Do đó, từ cuối năm 2020 đến nay, công ty nhận được nhiều đơn hàng và không phải lo đầu ra cho sản phẩm.

Chuyển hướng kinh doanh online cũng là lựa chọn của anh Hoàng Ngọc Toàn - nghệ nhân, chủ cơ sở gốm ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu. Với cách làm này, cơ sở gốm của anh đã đạt được công suất hơn 50% so với bình thường, giúp không bị đứt hẳn chuỗi cung ứng với bạn hàng. Anh chia sẻ: Tình hình dịch bệnh tại Đồng Nai nói chung và huyện Vĩnh Cửu nói riêng đã cơ bản kéo giảm, nhiều nơi đã tái tổ chức sản xuất, doanh nghiệp gia đình mong được sớm triển khai tiêm vaccnie cho công nhân để họ trở lại làm việc vì một số khách đã hối thúc rất gấp.

Tin cùng chuyên mục