Việc sắp xếp lại lần này nhằm đáp ứng quy định chung của Trung ương và trên cơ sở xem xét phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo động lực thay đổi cách quản lý theo hướng thực hiện số hóa, làm gọn bộ máy, giảm cán bộ không chuyên trách, phát huy vai trò chủ động của người dân trong quan hệ với chính quyền… Việc thực hiện sẽ theo quy định khung của Bộ Nội vụ, có lộ trình và phù hợp với địa bàn dân cư (nông thôn, đô thị, nhà phố, chung cư…).
Khi nghe sắp tới sẽ không còn tổ dân phố, tổ nhân dân dưới khu phố, ấp và mỗi khu phố có tối thiểu 450 hộ, mỗi ấp có tối thiểu 350 hộ, nhiều người chưa hình dung rồi đây công việc sẽ vận hành như thế nào và cảm thấy lo bởi quy mô của khu phố, ấp khá lớn so với số lượng các chức danh cán bộ không chuyên trách cho mỗi khu phố, ấp khoảng 5 người. Vấn đề đặt ra là cần làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng khu phố, trưởng ấp. Đây không phải là một cấp chính quyền mà là cầu nối giữa chính quyền và người dân, không dồn và không giao quá nhiều việc cho khu phố, ấp.
Theo Quy chế tổ chức và hoạt động của khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân hiện hành, đây là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, có chung địa bàn cư trú, không phải một cấp hành chính; nhưng thực tế lại làm quá nhiều việc - từ việc nhắc tiêm chủng, thông báo trẻ em đến trường, lên danh sách hộ nghèo, chăm sóc người có công, xét gia đình văn hóa…, đến thu tiền cho nhiều quỹ như Quỹ phòng chống thiên tai, Quỹ vì biển đảo quê hương - vì tuyến đầu Tổ quốc…
Đi đôi với chức năng, nhiệm vụ là quy chế hoạt động cho khu phố, ấp sao cho phù hợp với điều kiện mới. Việc hội họp trực tiếp có bắt buộc không hay qua các kênh thông tin hiện đại? Nếu họp thì không phải nơi nào cũng có địa điểm có sức chứa đông người (theo quy chế hiện nay, tổ dân phố, tổ nhân dân họp mỗi quý 1 lần và phải có trên 50% số hộ tham dự mới có giá trị). Sắp tới, người dân có bầu trực tiếp chức danh trưởng khu phố, ấp không và nhiệm kỳ bao lâu (hiện nay thì dân bầu trực tiếp tổ trưởng tổ dân phố, tổ nhân dân và người trúng cử phải có số phiếu đạt 50% trở lên, nhiệm kỳ 2,5 năm)?…
Chúng ta muốn người có uy tín và năng lực tham gia các chức danh của khu phố, ấp, trong đó có nhiều người trẻ, năng động, giỏi công nghệ thông tin…; nhưng trong thực tế, chế độ phụ cấp hàng tháng khá thấp, việc đào tạo, bồi dưỡng và tạo cơ hội thăng tiến cho người trẻ còn nhiều khó khăn nên thời gian qua chưa thu hút được nhiều người trẻ.
Nhiều người cao tuổi rất tích cực, rất nhiệt tình tham gia công việc vì trách nhiệm cộng đồng, có người làm nhiều nhiệm kỳ. Trong tương lai cần xem xét tăng phụ cấp cho các chức danh khu phố, ấp.
Việc sắp xếp để còn 1 cấp dưới phường, xã là khu phố, ấp, không còn tổ dân phố, tổ nhân dân là chủ trương mới đối với TPHCM. Với phương án sắp xếp mô hình tổ chức tự quản mới, dự kiến TPHCM sẽ giảm hơn 20.135 khu phố, ấp, sẽ giảm hơn 38.000 cán bộ không chuyên trách…
Quá trình xây dựng đề án, quy chế, kinh phí hoạt động và chế độ chính sách đối với lực lượng đảm đương công việc ở nơi gần dân nhất cần được lắng nghe và xem xét thấu đáo; cần thiết có chỉ đạo điểm rút kinh nghiệm trước khi triển khai diện rộng toàn thành phố.