Món quà vô giá
Em Trần Thủy Tiên (lớp 6/5, Trường THCS Minh Đức) gây bất ngờ khi chia sẻ về thể loại sách yêu thích của mình là tâm lý học. Và cuốn sách mà Thủy Tiên chọn đọc là Thiên tai bên trái, kẻ điên bên phải, một cuốn sách về tâm lý học khá “nặng ký”. “Con cảm thấy bản thân mình nên đọc những cuốn sách đó, vì xung quanh con, bạn bè, có thể là người thân trong gia đình rất có thể đến một lúc nào đó sẽ gặp phải áp lực về tâm lý”, Thủy Tiên cho biết.
Xem sách là món quà vô giá, mang đến những trải nghiệm và hiểu biết cũng như những kỹ năng hữu ích cho cuộc sống lẫn việc học. Ngoài sách văn học, em Đặng Trần Huyền Thư (lớp 7A3, Trường THCS Hoa Lư, TP Thủ Đức) còn quan tâm đến dòng sách phát triển bản thân thông qua các cuốn sách, như: Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Bạn đắt giá bao nhiêu…
Theo Huyền Thư, không bao giờ là quá sớm để đọc một cuốn sách phát triển bản thân, vì những cuốn sách đó có nhiều điều bổ ích, giúp các em có động lực và dần hoàn thiện bản thân. “Thực chất những cuốn sách đó dành cho những người từ 18 tuổi trở lên. Đâu đó bọn con vẫn có thể hiểu được, tuy nhiên, con vẫn chờ đợi ở các tác giả những cuốn sách phát triển bản thân phù hợp với độ tuổi của mình hơn. Con mong sách được viết theo hơi hướng trẻ em một chút xíu để bọn con dễ dàng tiếp cận”, Đặng Trần Huyền Thư bày tỏ.
Không riêng em Huỳnh Anh Thư (lớp 6/5, Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp) mà nhiều em có mặt tại diễn đàn cũng bày tỏ tình yêu với sách lịch sử. Thời gian qua, nhiều ấn phẩm thuộc dòng sách lịch sử của các đơn vị như NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, Đông A… được đầu tư công phu về nội dung và hình thức, đã trở thành chất xúc tác đưa các em đến với dòng sách này.
TS Quách Thu Nguyệt nói: “Hồi xưa GS Trần Văn Giàu có nói với tôi, sử Việt hay lắm con, nhưng tại sao mà người ta vẫn thích đọc sử Trung Quốc? Rồi ông tự lý giải: Bởi vì sử nước ta được thể hiện còn cứng nhắc, khô khan”.
"Hy vọng, đây cũng là câu chuyện mà những người làm sách, viết sách sử phải suy nghĩ. Bởi vấn đề không phải các em không thích mà vấn đề là nội dung của những cuốn sách đó có thật sự hấp dẫn hay không. Môn Sử không khô khan, khó gần mà cần thiết phải được truyền tải bằng những câu chuyện thật hấp dẫn" TS Quách Thu Nguyệt |
Lâu nay, nhiều chương trình khuyến đọc, hỗ trợ hình thành thói quen đọc sách cho các em đã được tổ chức. Tuy nhiên, đa phần đó là những chương trình do người lớn “nói với nhau”. Chính vì vậy, diễn đàn Lắng nghe chúng con nói với những chia sẻ, tâm tình từ chính các em, là cơ hội cho những người làm xuất bản hiện nay.
Theo ông Lê Văn Thành, Phó Giám đốc Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TPHCM, đơn vị của ông luôn ý thức “đọc vị” nhu cầu độc giả, thông qua các hoạt động giao lưu trực tiếp ở nhà trường, phản hồi từ thị trường, khách hàng… “Diễn đàn này cũng là dịp để các đơn vị xuất bản lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, mong muốn từ đối tượng độc giả lớn nhất hiện nay là các em học sinh, để từ đó có những ý hướng, gợi mở trong việc khai thác, tổ chức bản thảo sao cho sát nhất, gần nhất với nhu cầu của các em”, ông Lê Văn Thành cho biết.
“Khi làm sách cho thiếu nhi, vô hình trung chúng ta đang dẫn dắt thị hiếu của các em, nâng cao trình độ người đọc, chứ không chỉ đơn giản là đáp ứng và chạy theo nhu cầu trước mắt. Tôi cho rằng, các đơn vị cần quan tâm hơn đến sách văn học. Bởi các tác phẩm văn học đưa trẻ vào các bối cảnh cuộc sống đa dạng, dạy trẻ cách ứng xử, giúp trẻ nhận ra các giá trị tinh thần, mang lại sự nhạy cảm với các tình huống khác nhau, giúp trẻ có tâm thế sẵn sàng ứng phó với những thử thách mới của môi trường sống. Cách tiếp cận đó hiệu quả hơn rất nhiều so với các cuốn sách kỹ năng cầm tay chỉ việc…”, TS Nguyễn Thụy Anh cho biết.
Diễn đàn Lắng nghe chúng con nói còn có ý nghĩa với cả những người trong ngành giáo dục. Theo TS Dương Trần Bình (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp), hiện nay các em đã bắt đầu có được niềm tin, hành vi, thói quen đọc và biết được phương pháp đọc rất tốt.
“Những chia sẻ của các em là cơ hội để các thầy cô trong nhà trường biết được mong muốn của các em một cách rõ ràng nhất, biết được loại sách mà các em đang quan tâm, cũng như môi trường nào đang tác động đến các em trong bối cảnh hiện nay”, TS Dương Trần Bình cho biết.