Dọc các con đường ven biển như Nguyễn Thông, Huỳnh Thúc Kháng, các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống ở TP Phan Thiết đang tất bật chuẩn bị phục vụ nhu cầu của khách hàng vào dịp Tết Nguyên đán 2024. Cách đây nhiều tháng, cơ sở sản xuất nước mắm Bà Hai (phường Phú Hài, TP Phan Thiết) đã nhập 600 tấn cá cơm để muối mắm. Đến nay, cơ sở này đã bắt đầu rút mắm để đóng chai chờ các đơn đặt hàng. “Dự kiến dịp Tết Nguyên đán 2024, cơ sở của tôi sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 40.000 lít nước mắm. Năm nay, nguồn nguyên liệu cá cơm nhiều, chất lượng tốt nên sản lượng nước mắm dồi dào”, ông Nguyễn Hữu Dũng, chủ cơ sở nước mắm Bà Hai, thông tin.
Cơ sở nước mắm Ngọc Định (phường Mũi Né, TP Phan Thiết) cũng đã ủ chượp hàng chục tấn cá cơm từ 9 tháng trước, hiện cũng đã sẵn sàng cung ứng cho thị trường dịp cuối năm. Để cung ứng đủ nhu cầu trong dịp tết, nhiều cơ sở nước mắm chuẩn bị hàng tăng hơn 20%-25% so với nhu cầu ngày thường. Tuy nhiên, theo các cơ sở nước mắm, dịp này hàng năm các đơn hàng dồn dập đến, lượng tiêu thụ tăng vọt, nhưng hiện tại thì thị trường chưa như kỳ vọng.
Ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, cho biết, Phan Thiết hiện có hơn 100 cơ sở chế biến nước mắm truyền thống với quy mô sản xuất trung bình khoảng 20 triệu lít/năm. Nhìn chung, các cơ sở và làng nghề nước mắm truyền thống hiện nay đều khá nhỏ lẻ, manh mún, chưa có chiến lược đầu tư bài bản để sản xuất kinh doanh lớn. Một số cơ sở chỉ tập trung vào sản xuất gia công cho các doanh nghiệp khác, hoặc bán nước mắm thô, dẫn đến thương hiệu nước mắm Phan Thiết chưa phát triển xứng tầm.
“Doanh nghiệp, cơ sở nước mắm truyền thống tại Phan Thiết hiện chủ yếu “tự bơi”. Do đó, để thị trường nước mắm truyền thống phát triển ổn định, chúng tôi mong muốn ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, hỗ trợ chính sách vay vốn để nghề làm nước mắm truyền thống phát triển bền vững”, ông Trương Quang Hiến chia sẻ.