Một tư liệu hữu ích về văn chương
Ấn phẩm Nhà văn nói về nghề (NXB Văn học) được Hội Nhà văn TPHCM tổ chức thực hiện, sách dày hơn 300 trang, tập hợp 36 bài viết, được xem như 36 quan niệm làm nghề của các nhà văn trong nước. Không theo một tiêu chí về danh tiếng hay tuổi tác, cuốn sách là sự đan xen giữa 36 bài viết của nhiều gương mặt văn chương đương đại hay những người đã khuất, từ Nam Cao, Nguyễn Minh Châu, Sơn Nam đến Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Trần Văn Tuấn… Và cũng không thể thiếu những gương mặt trẻ hơn như Nguyễn Ngọc Tư, Võ Diệu Thanh, Uông Triều, Nguyễn Thị Kim Hòa…
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cho rằng, nhà văn là viết văn, là làm ra tác phẩm văn chương, sáng tạo ra thế giới tinh thần, một thế giới không chỉ cho mình. Do đó, công việc của người viết văn, của một nhà văn không chỉ là nghề mà còn là nghiệp.
“Đối diện với trang viết, mỗi nhà văn có cách ứng xử riêng. Đó không chỉ là thái độ nhà văn đối với đứa con tinh thần của mình mà còn chính là sự ứng xử của mình đối với cuộc đời và đối với chính mình. Có lẽ, sự khác biệt này, làm cho quyển sách Nhà văn nói về nghề thêm thuyết phục, không chỉ đối với người viết, người đọc mà cả với người truyền dẫn cái hay cái đẹp và cả sự bất toàn của văn chương”, nhà văn Bích Ngân nói thêm.
Vươn lên những điều siêu việt
Việc ra mắt cuốn sách Nhà văn nói về nghề như một duyên cớ để các nhà văn bộc bạch về nghề viết. Nhà văn Lưu Vĩ, chủ nhân giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn TPHCM năm 2011 và giải A Giải thưởng VHNT của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, nhận ra một điều: thực chất, khi chúng ta bắt đầu cầm bút và ngồi xuống viết là chúng ta đã rơi vào dòng suy tưởng. Đối với ông, văn chương không phải là một nghề, khi ngồi vào bàn viết đó là một nghi thức rất huyền bí. Và công việc của nhà văn không phải để tạo ta những áng văn chương, tạo ra những điều thuyết phục mới mà phải moi được trong lịch sử, trong cuộc sống của mình những nét kỳ lạ của cuộc đời, những diễn biến, những bí ẩn của lịch sử phải được tìm thấy.
Từ những tác phẩm lớn như Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà, Chiến tranh và hòa bình, Cuốn theo chiều gió… nhà văn Lưu Vĩ Lân cho rằng, dù mỗi tác phẩm đều bám vào một hoàn cảnh lịch sử nhưng nó không có gắn kết với hoàn cảnh lịch sử thời điểm đó.
Với nhà văn, họa sĩ Trần Luân Tín, viết văn được khởi nguồn từ sự thôi thúc mạnh mẽ. Theo ông, chúng ta không thể không viết nếu như trong lòng không có sự thôi thúc. “Đồng thời tôi cũng nghĩ rằng, sự phát triển của văn học cũng xuất phát từ đó, xuất phát từ những sự thôi thúc, trằn trọc, lao động hết mình đối với mỗi cá nhân người cầm bút”, nhà văn Trần Luân Tín nói thêm.
“Thực sự đây không phải là sự mở rộng mà đối với tôi đây là một sự ô nhiễm của môi trường văn hóa. Sử dụng ngôn ngữ của đất nước, của địa phương mình là cách làm giàu cho văn hóa của mình. Nếu mình lười hoặc dùng ngôn ngữ khác chen vào bằng ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Pháp thì nó sẽ chỉ làm nghèo đi văn hóa, và cho thấy sự thiếu khả năng diễn đạt của mình. Mà một nhà văn thì không thể thiếu khả năng diễn đạt”, nhà văn Elena Pucillo Trương bày tỏ.