Làng nghề miền Trung... níu chân khách

Tại các tỉnh thành miền Trung, việc tham quan làng nghề truyền thống, trải nghiệm, tìm hiểu cách làm nên sản phẩm, khám phá đời sống của cư dân làng nghề là cách làm mới sản phẩm du lịch, thu hút du khách.

Ngày cuối tuần, anh Bùi Thanh Phú (Giám đốc Công ty TNHH Mắm Hồng Hương) cùng các thợ làm nghề của Xưởng nước mắm Hương Làng Cổ (làng nghề nước mắm Nam Ô, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) và hàng chục sinh viên men theo bờ biển Nam Ô để đón những con tàu công suất nhỏ chở đầy cá cơm tươi, chuẩn bị nguyên liệu làm nước mắm. Không chỉ là điểm đến trải nghiệm, sinh hoạt ngoại khóa của nhiều học sinh, sinh viên trên địa bàn Đà Nẵng, Xưởng nước mắm Hương Làng Cổ còn được một số doanh nghiệp lữ hành chọn làm điểm đến của du khách. Đến làng Nam Ô, sau khi viếng di tích Lăng Ông, Dinh Cô Hồn…, du khách sẽ nghỉ ngơi và đi bộ quanh làng, ghé từng nhà, thăm từng hộ làm mắm. Bởi vậy, các cơ sở sản xuất mắm, nước mắm nơi đây chăm chút từng bao bì sản phẩm để gây ấn tượng với du khách.

Du khách nếm thử nước mắm ở làng nước mắm Nam Ô (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). 
Ảnh: BTP
“Sau khi nếm thử, du khách nước ngoài, nhất là khách Hàn Quốc…, rất thích mua nước mắm để làm quà tặng sau chuyến du lịch. Nhờ vậy mà thương hiệu nước mắm Nam Ô lan tỏa khắp các nước”, anh Phú cho hay. Tại một sự kiện du lịch mới đây diễn ra ở Công viên Biển Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), không gian ẩm thực truyền thống rất được người dân địa phương và du khách ghé thăm và trải nghiệm việc tự tay làm bánh tráng, đổ bánh xèo. Nhờ sự hướng dẫn của các nghệ nhân làng nghề truyền thống bánh tráng Túy Loan (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), chị Yvonne, du khách đến từ Singapore, đã hoàn thiện chiếc bánh. “Đi du lịch, tôi thích nhất vẫn là cảm giác nhìn thấy các nghệ nhân sản xuất bánh, hay tự tay trải nghiệm, làm ra sản phẩm cho riêng mình. Cảm giác tráng được một chiếc bánh rất thú vị”, chị Yvonne chia sẻ.


Làng hương (nhang) truyền thống Thủy Xuân dọc theo đường Huyền Trân Công Chúa (cách trung tâm TP Huế khoảng 7km về hướng Tây Nam) cũng thường tấp nập du khách nhưng không phải để mua hương. Bà Tôn Nữ Ánh Tuyết (phường Thủy Xuân, TP Huế) chia sẻ, du khách ban đầu chỉ đến làng khám phá các công đoạn làm hương thủ công, thích thú khi tự tay làm nên một que hương, cũng như tìm hiểu thêm về con người và cuộc sống nơi đây. Sau đó, bà con nhận thấy du khách thích thú chụp ảnh với những chân hương rực rỡ sắc màu nên thay vì làm quán bán hương, người dân trang trí chân hương nhiều màu sắc đón khách đến chụp ảnh lưu niệm. Không chỉ thế, du khách ngày càng nhiều, những hộ dân bắt đầu kinh doanh cho thuê áo dài cổ phục, bán hàng lưu niệm và nước uống giải khát.

Ngược ra làng Phò Trạch (xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nổi tiếng với nghề đan đệm bàng có bề dày lịch sử hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, nghề truyền thống cũng mai một dần khi các sản phẩm nhựa cao cấp, da, vải… trong và ngoài nước xuất hiện tràn lan trên thị trường. Trước thực trạng đó, Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt đã khảo sát, liên kết với các hộ dân làng nghề, đầu tư trang thiết bị hiện đại và đưa đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp về làng trực tiếp hướng dẫn bà con sản xuất những sản phẩm cao cấp từ cây cỏ bàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách cũng như tăng giá trị sản phẩm. Từ đó, hàng trăm mẫu mã tinh xảo do chính bàn tay người dân làng đệm Phò Trạch tạo ra từ nguyên liệu cây cỏ bàng như ống hút, túi xách, nón, mũ, tranh… đã có mặt khắp nơi, phục vụ người dân, khách du lịch trong và ngoài nước.

Với 8 làng nghề truyền thống được công nhận, ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế), cho biết, thời gian qua, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề, thu hút du khách, tạo điều kiện phát triển kinh tế, như hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị cho các cơ sở sản xuất, chứng nhận nhãn hiệu “Hương xưa làng cổ” Phước Tích; quy hoạch, phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ cho làng nghề, đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động làng nghề… Từ đó, một số nơi, làng nghề từng bước được khôi phục, phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo bà Huỳnh Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch - Sở Du lịch Đà Nẵng, xu hướng đi du lịch của người dân và du khách có nhiều thay đổi nên đòi hỏi người làm du lịch phải có cách tiếp cận mới để tăng sức hút cho điểm đến bằng nhiều hình thức khác nhau. Ngoài quảng bá hình ảnh điểm đến bằng việc mời những người nổi tiếng đến tham quan, bằng những hình ảnh, video ghi lại sau mỗi chuyến đi của du khách đăng tải trên các trang mạng xã hội…, việc tạo không gian trải nghiệm làng nghề, tận tay làm những sản phẩm của làng nghề cũng khá hấp dẫn du khách.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, cho biết, để tăng sức hút cũng như phát huy giá trị của các sản phẩm làng nghề truyền thống, ngoài nỗ lực tự thân của đơn vị, Sở Công thương đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến thương mại, phổ biến thông tin về lợi ích của cơ sở khi tham gia chương trình bình chọn sản phẩm. Bên cạnh đó, sở hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như tích cực hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực quản lý cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu từ nguồn kinh phí khuyến công…

Tin cùng chuyên mục