Có một bài thơ, thậm chí một câu thơ neo lại trong tâm trí người đọc, cũng có thể xem là thành công của người làm thơ. Nhà thơ Hoài Vũ có lẽ là trường hợp đặc biệt khi nhắc đến thơ ông, không chỉ một mà có nhiều bài thơ được các thế hệ bạn đọc yêu thích: Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, Đi trong hương tràm, Thì thầm với dòng sông, Chia tay hoàng hôn…
Nhiều bài thơ của nhà thơ Hoài Vũ ra đời trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, dẫu không thể thiếu những chi tiết, hình ảnh gợi nên ký ức chiến tranh nhưng điều làm nên sự khác biệt của thơ Hoài Vũ trong dòng chảy thơ kháng chiến, ấy là ông có cách tiếp cận gần gũi, giản dị và tràn đầy tinh thần lạc quan.
Điều dễ nhận thấy ở thơ Hoài Vũ trước hết là tính nhạc. Thơ ông hầu như bài nào cũng giàu nhạc điệu. Đây có lẽ là cơ duyên để các nhạc sĩ phổ nhạc, không chỉ một mà nhiều lần. Có thể kể đến nhạc sĩ Trương Quang Lục với Vàm Cỏ Đông, Trên mảnh vườn cô dũng sĩ; Phan Huỳnh Điểu với Anh ở đầu sông em cuối sông, Người ấy bây giờ đang ở đâu?, Những chiếc xe qua cầu Công Lý; Thuận Yến với Đi trong hương tràm, Thì thầm với dòng sông, Chia tay hoàng hôn, Tìm em trên vùng căn cứ cũ…
Thơ Hoài Vũ đi được cùng năm tháng, một phần nhờ có âm nhạc chắp cánh, nhưng cũng phải thừa nhận rằng, phần nhiều là nhờ ở thơ. Ông sở hữu giọng thơ nhất quán. Thơ viết trong những năm tháng chống Mỹ nhưng giọng thơ ông mang một nét riêng, rộn ràng, tươi tắn và không nặng về tuyên truyền.
Viết về những năm tháng chiến tranh ác liệt, Hoài Vũ lựa chọn góc nhìn hẹp, mộc mạc nhưng lại thấm thía: “Có thể nào quên cô gái thơ/ Bơi xuồng thoăn thoắt dưới trăng mờ/ Đưa đoàn Giải phóng qua sông sớm/ Bên sông, bót giặc đứng sờ sờ” (Vàm Cỏ Đông). Cũng như vậy, để nói về sự chia cắt trong chiến tranh, ông mượn hình ảnh tình yêu đôi lứa: “Anh ở đầu sông em cuối sông/ Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông/ Thương nhau đã chín ba mùa lúa/ Chưa ngày gặp lại, nhớ mênh mông!” (Anh ở đầu sông, em cuối sông).
Một nét đặc sắc khác trong thơ Hoài Vũ, là những bài thơ về địa danh. Những Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Đambri; những Đồng Dù, Thái Mỹ, Gót Chàng, Bến Lức, Sông Bé… những tên đất, địa danh hiện lên không mang tính miêu tả, minh họa mà thật gần gũi và ấm nồng.
Vì lẽ đó, thơ Hoài Vũ đã đi từ tình riêng để trở thành tình chung của nhiều thế hệ bạn đọc, như nhà thơ Phan Hoàng nhận định: “Những trang viết của Hoài Vũ luôn trào dâng cảm xúc, thấm đẫm tinh thần yêu nước và nhân văn, với một diễn ngôn giản dị mà cuốn hút, dễ đi vào lòng người và neo lại bền lâu”.