Trưa 24-4, sau khi khảo sát thực tế nhiều địa điểm tại huyện Cần Giờ (TPHCM), đoàn lãnh đạo TPHCM do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã có trao đổi nhanh, lắng nghe ý kiến góp ý nhiều của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.
Các chuyên gia gồm: GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo; GS.TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông; PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế chiến lược Việt Nam; GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ; TS Trần Du Lịch, nguyên Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM; TS Đinh Mạnh Đạo, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông; ông Phan Chánh Dưỡng, Giảng viên thực tiễn cao cấp, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright; PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM; TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Sử học TPHCM...
Tại buổi trao đổi, các chuyên gia chia sẻ nhiều ý kiến đóng góp cho sự phát triển của Cần Giờ. GS Võ Tòng Xuân ủng hộ định hướng phát triển của huyện Cần Giờ và đề nghị TPHCM cần đổi mới tư duy và mạnh dạn có cách tiếp cận mới để thúc đẩy phát triển Cần Giờ, nâng cao đời sống của người dân nơi đây.
Trong khi đó, TS Trần Du Lịch nhận xét, quyết định trồng rừng vào cuối những năm 1970 của TPHCM là sự đúng đắn nên bây giờ mới có Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Đây là lá phổi không chỉ riêng của TPHCM mà còn cho cả vùng đô thị TPHCM. Việc trồng rừng là công lao lớn để có được Cần Giờ như hôm nay.
“Nhưng liệu Cần Giờ có thể đi lên bằng chính tiềm năng của mình hay không? Đó là câu hỏi lớn. TPHCM không nên cho “con cá” nữa, mà cho “cần câu” và tin tưởng rằng, người dân Cần Giờ có thể sống tốt! Tôi cho rằng, việc này hoàn toàn có thể được”, TS. Trần Du Lịch khẳng định.
Theo TS Trần Du Lịch, Cần Giờ là mặt tiền biển của TPHCM nên quyết định xây dựng Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ để biến Cần Giờ thành cửa ngõ là đúng đắn. Vì vậy, TPHCM cần tháo gỡ vướng mắc để nhà đầu tư thuận tiện thực hiện các dự án, hình thành dịch vụ du lịch gắn với tiềm năng, thế mạnh của Cần Giờ.
TS Trần Du Lịch còn đặc biệt lưu ý, mọi chính sách phát triển phải hướng đến 70.000 dân ở huyện Cần Giờ, người thụ hưởng lợi ích từ sự phát triển Cần Giờ trước tiên phải chính là người dân nơi đây. Đồng thời, TPHCM cần chống đầu cơ đất tại huyện Cần Giờ.
Ông Phan Chánh Dưỡng chia sẻ câu chuyện 30 năm trước, khi ông đi huyện Nhà Bè làm khu chế xuất, khu đô thị thì ai cũng cười, nói “Nhà Bè bỏ con trâu còn chìm, thì làm gì xây được khu đô thị”. Thế nhưng, 30 năm sau, Nhà Bè đã vươn lên mạnh mẽ như ngày hôm nay. Từ câu chuyện ấy, ông Phan Chánh Dưỡng cho rằng, hiện nay Cần Giờ thực hiện một số dự án chắc chắn có sự ủng hộ và cả sự không ủng hộ.
“Việc của chúng ta là lắng nghe thật kỹ những góp ý khuyến khích và càng cần nghe thật kỹ những ý kiến phản biện. Cái gọi là thành công hay thất bại, không có chuẩn nào hết. Tới khi nào làm xong rồi, người dân sống và cảm nhận là đúng nhất”, ông Phan Chánh Dưỡng bày tỏ.
Phát biểu tại buổi trao đổi, đồng chí Nguyễn Văn Nên chúc mừng bà con xã đảo Thạnh An cùng huyện Cần Giờ khi xã đảo này được chính danh trên bản đồ xã đảo của Việt Nam. Đồng chí cũng bày tỏ vui mừng trước nỗ lực của huyện trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, khi hoàn thành các chỉ tiêu về phủ kín điện lưới, phát triển đường giao thông nông thôn, trường học…
Dù vậy, theo đồng chí, Cần Giờ còn nhiều vấn đề cần được giải quyết, tạo điều kiện phát triển nên rất cần nhận được sự chia sẻ, hiến kế của chuyên gia trên các lĩnh vực.
Ghi nhận, cảm ơn những ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tại buổi trao đổi, đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý. Thông qua đó, TPHCM có cách làm phù hợp, tạo được sự đồng hành trên bước đường xây dựng TPHCM nói chung và Cần Giờ nói riêng phát triển bền vững.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng thông tin thêm, TPHCM đã có chủ trương thực hiện cơ chế chính sách kết nối, huy động sự chung tay góp sức của xã hội, nhất là đội ngũ trí thức, nhà khoa học đóng góp ý kiến, tư vấn có trách nhiệm và hiệu quả để biến những khát vọng, ước mơ, suy nghĩ về việc phát triển TPHCM thành hiện thực.
Trước đó, báo cáo tại buổi trao đổi, Bí thư Huyện ủy huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết, Cần Giờ cách trung tâm TPHCM 50 km, có vị trí quan trọng, là cửa ngõ của TPHCM tiến ra biển Đông. Huyện có rừng ngập mặn, có biển. Khó khăn của huyện là chưa thu hút được các thành phần kinh tế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Sản xuất thủy sản còn thiếu ổn định, tăng trưởng chưa vững chắc. Các bước thực hiện để hướng đến mục tiêu phát triển du lịch còn chậm.
Hiện nay, TPHCM đã tổ chức thi tuyển quốc tế về phương án thiết kế quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 trên địa bàn huyện Cần Giờ. Đây là niềm vui rất lớn đối với huyện.
Trên cơ sở ý tưởng thiết kế đoạt giải, TPHCM đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép lập và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu trên địa bàn huyện Cần Giờ song song với quá trình nghiên cứu, lập điều chỉnh đồ án quy hoạch chung TPHCM đang thực hiện. Trong đó, ý tưởng quy hoạch chủ đạo sẽ là: “Cần Giờ là đô thị sinh thái thế hệ tiếp theo”.
Cấu trúc đô thị (mở rộng) được đề xuất gồm 3 khu, trong đó khu bảo tàng sống, khu dự trữ sinh quyển (khu B) là rừng ngập mặn, cách trung tâm thành phố khoảng 30 đến 60km. Có môi trường tự nhiên phong phú nên định hướng đây sẽ là nơi hạn chế phát triển đô thị, bảo vệ khu dự trữ sinh quyển.
Chú ý “3 ADN” đặc trưng của Cần Giờ TS Nguyễn Thị Hậu đóng góp ý kiến phát triển Cần Giờ. Ảnh: VIỆT DŨNG “3 ADN” cơ bản là hệ sinh thái rừng ngập mặn. Cần Giờ phát triển cần phải có rừng ngập mặn. Đây là “ADN di truyền”, cần bảo tồn và phát triển. Việc UNESCO công nhận rừng Cần Giờ là Khu dự trữ sinh quyển thế giới không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn gián tiếp công nhận và vinh danh công lao của Việt Nam, của TPHCM trong việc khôi phục mảng rừng đã bị chiến tranh tàn phá. Điều này không thể phủ nhận. Đây cũng chính là “ADN” giúp Cần Giờ và TPHCM khác biệt so với nhiều nơi khác. |