TPHCM đã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế và bảo vệ môi trường.
Xuất phát từ lợi ích đó, nhiều người dân ở xã Bình Lợi đã chuyển từ cây mía sang trồng mai và hiện loại cây trồng này đã trở thành ngành nghề truyền thống của nông dân nơi đây.
Ngoài lợi ích kinh tế, các tác phẩm nghệ thuật về cây mai của người dân Bình Lợi được tạo ra từ sự đam mê và nhiệt huyết, tạo thành một làng mai với tên gọi Làng mai vàng xã Bình Lợi.
Ông Nguyễn Văn Đông, nghệ nhân trồng mai lão làng của Làng mai Thủ Đức, nhận xét: “Nông dân Bình Lợi trồng mai vàng như trồng tràm. Họ lấy giống mai ghép nên hoa to, nhiều cánh và cấy giống trên đất nên cây phát triển nhanh, ít tốn công chăm sóc”.
Hoa mai tại Làng mai vàng xã Bình Lợi
Để phát huy hơn nữa lợi thế trên và giúp các hộ trồng mai có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau sản xuất cũng như tổ chức tiêu thụ sản phẩm, phát triển nghề bonsai - cây kiểng truyền thống của địa phương, UBND xã Bình Lợi đã quyết định thành lập Câu lạc bộ Hoa mai xã Bình Lợi.
Ông Hồ Vĩ Nhân, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Bình Chánh, cho biết: “Câu lạc bộ đã là cánh tay nối dài của công tác khuyến nông, đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với nông dân, giúp bà con sản xuất hiệu quả.
Sự hình thành câu lạc bộ giúp các hộ trồng mai xã Bình Lợi liên kết sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh, giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, bà con trồng mai có thể sinh hoạt, học hỏi kinh nghiệm thực tế, liên kết các hộ sản xuất với nhau trong khâu chọn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư, tiêu thụ…
Đây cũng là nơi để cơ quan chuyên môn, các ban ngành đoàn thể tập trung tác động, hỗ trợ đầu tư, giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới”.
Câu lạc bộ Hoa mai xã Bình Lợi có 21 thành viên, trong đó hộ ít có diện tích khoảng 0,5ha và hộ nhiều nhất là 6ha. ông Trần Tứ Vương, Chủ nhiệm câu lạc bộ, cho biết tại các buổi sinh hoạt định kỳ (1 lần/tháng), nội dung sẽ thay đổi phù hợp với nhu cầu thực tế của mỗi thành viên, như: kinh nghiệm thực tế về khâu chọn giống, phân bón; kiến thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; phòng trừ dịch hại trên cây mai…
Nhờ đó, nhiều thành viên đã cập nhập thêm những kiến thức hữu dụng, nhất là về tình hình sâu bệnh hại trên cây mai mà trong quá trình chăm sóc họ thường gặp (như bệnh nhện đỏ, bệnh gỉ sắt, bệnh khô lá, bệnh bù lách…) và cách xử lý.
Cũng theo ông Vương, thời gian đến sẽ tiếp tục vận động thành viên tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật, tham quan, học tập kinh nghiệm do Trạm Khuyến nông và Hội Nông dân huyện tổ chức; sắp xếp để thành viên có cơ hội tham quan tại các vườn mai trong câu lạc bộ nhằm học hỏi, rút kinh nghiệm, bổ sung kiến thức cho nhau.
Câu lạc bộ Hoa mai xã Bình Lợi luôn chào đón thêm thành viên, kể cả các hộ ở những địa bàn lân cận, cùng tham gia, cùng tìm tòi, sáng tạo về cây giống, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đẹp, lạ và bắt mắt.
Đặc biệt, sẽ chú ý nâng cấp chất lượng (ghép, tạo mai giống tốt, tạo dáng đẹp, áp dụng biện pháp kỹ thuật để hạn chế rủi ro do ảnh hưởng thời tiết…), đồng thời mở rộng diện tích vườn mai, để xây dựng thương hiệu “Câu lạc bộ Hoa mai xã Bình Lợi” đứng vững trên thị trường, để làng mai xã Bình Lợi thật sự là một làng nghề giúp nông dân có thu nhập kinh tế, nâng cao đời sống.