Hàng ngày, có hàng ngàn chiếc bánh cung cấp ra thị trường được đưa đi khắp nơi để phục vụ việc thờ cúng tổ tiên cũng như nhu cầu ẩm thực trong dịp cuối năm
Theo ông Đào Bá Vây (làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị): “Tất cả những hộ làm bánh đều bảo tồn và duy trì nghề làm bánh của cha ông. Bánh phải được nhuộm xanh nếp bằng lá rau ngót. Trong dịp tết này, hộ gia đình tôi nói riêng và các hộ khác nói chung đều tấp nập làm bánh để kịp cung ứng đủ số lượng bánh cho thị trường cả nước. Riêng nhà tôi mỗi ngày làm từ 500-600 cặp bánh chưng và bánh tét”
Điều làm nên thương hiệu của làng bánh Đại An Khê đó chính là bí quyết “gia truyền” mà cha ông lưu truyền lại từ xa xưa. Khác với những nơi khác, bánh tét nơi đây thay vì có hình dáng tròn lại được gói thành hình bán nguyệt (hình vầng trăng khuyết) độc đáo, gạo nếp được trộn với nước lá rau ngót tạo màu xanh như ngọc bích trông rất đẹp mắt, hương vị dẻo thơm, đậm đà.
Bánh tét hình bán nguyệt
Bà Lê Thị Vinh (làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cho biết: “Nguyên liệu làm bánh như nếp, thịt, đậu xanh gia đình tôi đều đặt hàng ở những nơi có nguồn gốc và chất lượng. Đặc biệt, gia đình tôi sử dụng lá ngót để nhuộm màu xanh cho bánh chứ tuyệt đối không sử dụng chất phụ gia hoặc nhuộm màu để bảo vệ thương hiệu của làng nghề và sức khỏe người dùng”
Những chiếc bánh chưng được gói vuông vức, thơm ngon có màu xanh lá cũng được người dân Quảng Trị say mê và xem đó là món bánh không thể thiếu trên mâm cúng tổ tiên vào những dịp lễ, tết của gia đình
Nhân bánh gồm thịt và đậu xanh
Dùng khuôn để tạo ra được những chiếc bánh đều nhau
Hiện, làng Đại An Khê có khoảng 20 hộ nấu bánh với quy mô lớn, trung bình mỗi hộ nấu từ 300-500 bánh chưng, bánh tét bán nguyệt mỗi ngày để cung cấp ra thị trường. Trong những ngày sát tết nguyên đán, có hộ làm hơn 1.000 bánh mỗi ngày theo đơn đặt hàng để cung cấp gần, xa. Góp phần tạo công ăn việc làm cho những lao động thôn quê trong lúc nông nhàn.
Để duy trì và phát triển làng nghề, UBND xã Hải Thượng cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tem truy xuất nguồn gốc cũng như thành lập tổ hợp tác làm bánh Đại An Khê. Đồng thời, tăng cường quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, hội chợ, phương tiện thông tin đại chúng… Với những nỗ lực ấy, từ một làng nghề có nguy cơ thất truyền, hiện nay nghề làm bánh Đại An Khê đã phát triển không ngừng và được thị trường đón nhận cao. Các sản phẩm bánh tét bán nguyệt, bánh chưng, bánh tày của làng bánh Đại An Khê không chỉ tiêu thụ đắt hàng vào dịp sát tết mà cả những ngày thường trong năm.
Ngoài cách nấu bánh truyền thống, nhiều hộ gia đình đã đầu tư nồi nấu bằng điện
Sản phẩm được đóng gói cẩn thận chuẩn bị vận chuyển đi tiêu thụ tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng,…