Làng nghề cây, hoa kiểng Chợ Lách

Làng nghề cây, hoa kiểng Chợ Lách

(SGGP).- Về làng hoa kiểng, cây giống Chợ Lách, chúng tôi như bị “mê hoặc” bởi không gian của một vùng quê trù phú, hoa trái bạt ngàn. Trải qua gần trăm năm gầy dựng với bao thăng trầm, có lúc tưởng như tàn lụi, giờ đây, mỗi năm làng nghề này mang về lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương. Nơi đây còn là địa chỉ du lịch lý tưởng mang đậm nét miệt vườn Nam bộ…

Gần trăm năm gầy dựng

Lịch sử địa phương và các lão nông tri điền khẳng định: Công đầu đặt nền móng cho nghề sản xuất cây giống huyện Chợ Lách là 2 ông Phan Văn Minh và Trương Vĩnh Ký (Pétrus Ký) ở xã Vĩnh Thành. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, chính 2 nhân vật này đã mang một số giống cây mới từ những chuyến công du các nước Đông Nam Á về trồng.

Sản phẩm hoa kiểng Chợ Lách.

Sản phẩm hoa kiểng Chợ Lách.

Nhiều hộ dân địa phương đã chuyển đất trồng lúa sang trồng các giống cây mới này. Những năm 30 của thế kỷ 20, một đột phá nữa đánh dấu quan trọng cho làng nghề là ông Phạm Văn Trí và ông Phạm Văn Trị (xã Vĩnh Thành) ra tận Phan Thiết học trường Nha Ray (thời Pháp thuộc đào đạo), 2 người này đã vận dụng kiến thức của mình tạo ra giống chôm chôm Java (hạt không tróc). Thành công này được cụ Trị truyền lại cho người con là Phạm Văn Thanh.

Vùng đất này còn có nhiều nghệ nhân ghép cây tên tuổi như Mai Văn Hiếu, bà Mai Thị Sự (con cụ Hiếu), ông Bảy Khánh, ông Nguyễn Văn Trâm, ông Nguyễn Văn Sự… Và, sản xuất cây giống dần trở thành một nghề đối với người dân Chợ Lách và cũng là làng nghề độc nhất vô nhị ở ĐBSCL…

Danh tiếng một miền quê

Năm nào, tại hội thi trái ngon, hội chợ nông nghiệp ở TPHCM và các địa phương trong khu vực, sản phẩm (trái cây đặc sản, cây giống) của nhà vườn Chợ Lách cũng giành nhiều giải cao. Nông dân Nguyễn Văn Hóa (Chín Hóa) là một điển hình. Ông đã lai tạo ra giống sầu riêng cơm vàng sữa hạt lép mang thương hiệu sầu riêng Chín Hóa, nổi tiếng khắp vùng.

Ông Chín Hóa kể: “Năm 1996, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Bộ NN-PTNT) mở cuộc thi “Đấu xảo trái ngon” vùng ĐBSCL, tôi đem trái sầu riêng giống mới của mình tham gia và đoạt giải A. Các nhà khoa học đánh giá đây là giống ngon không thua các giống sầu riêng ngoại nhập. Hiện mỗi năm, tôi sản xuất từ 30.000 đến 40.000 cây giống nhưng không đủ bán; cộng với chuyên canh vườn sầu riêng, thu nhập mỗi năm hơn nửa tỷ đồng…”.

Mỗi dịp tết đến, dân trồng hoa kiểng Chợ Lách đều cung ứng 6-8 triệu sản phẩm cho cả ĐBSCL, TPHCM và Đông Nam bộ. Ngoài các loài hoa như: vạn thọ, hoa giấy, cúc đại đóa, cúc mâm xôi, thược dược, cẩm chướng… Chợ Lách còn lưu giữ hàng chục giống hoa hồng: hồng nhung đỏ thắm, mượt mà; hồng lay-ơn màu tím sen; hồng Elizabeth phơn phớt; hồng Korokit màu gạch tôm, hồng vàng, hồng đỏ, hồng cam, hồng phấn…

Các nghệ nhân cao tuổi còn lưu giữ nhiều loại cây kiểng quý hiếm, kiểng cổ, tuổi thọ hàng trăm năm giá trị hàng tỷ đồng. Vài năm gần đây, nhiều nghệ nhân nổi tiếng, tài hoa như: Xuân Hoàng, Nguyệt Thu, Lý Hải, Năm Công, Bảy Xuyên sáng tạo ra các “tác phẩm” kiểng thú (hình 12 con giáp) có giá trị cao, được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt, một số nghệ nhân nổi tiếng còn được săn đón ra ngoài tỉnh hoặc ra nước ngoài biểu diễn tài năng tạo dáng, tạo hồn cho hoa kiểng...

Tiễn chúng tôi ra về, thạc sĩ Bùi Thành Liêm-Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách phấn khởi: “Làm hoa kiểng, cây giống là ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn đang được địa phương tập trung đầu tư phát triển gắn kết với du lịch sinh thái mang đậm nét miệt vườn Nam bộ…”.

BÌNH ĐẠI – TRÚC GIANG

Tin cùng chuyên mục