Dịp giáp Tết Nguyên đán, dạo quanh làng biển xã Thạch Kim, mùi cá nướng xen lẫn mùi khói than củi tại các lò nướng cá tập trung ở cụm công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim nức mũi. Tại các lò nướng, hàng chục người đang tất bật làm việc không ngơi nghỉ để kịp đáp ứng sản phẩm cá nướng cho khách hàng trong và ngoài địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Các công đoạn từ chuẩn bị bếp lò, than củi, chọn cá, rửa cá, sắp xếp cá lên vỉ, nướng cá và phơi hong cá đều được mọi người thực hiện một cách chuyên nghiệp.
Trước đây, khi chưa có cụm công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim, các hộ dân chủ yếu làm nghề nướng cá tại nhà riêng trong khu dân cư nên ít nhiều gây ảnh hưởng đến môi trường, khói bụi xung quanh.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2018 đến nay, khu vực nướng cá trong cụm công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim được đầu tư xây dựng trên diện tích hàng ngàn mét vuông, các hộ dân chuyển vào đây làm nghề tập trung, hệ thống lò nướng được đầu tư bài bản nên đã khắc phục được phần nào tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, hạ tầng tại khu vực này cũng khá rộng rãi thuận lợi cho việc vận chuyển, bốc dỡ, phơi hong cá, sản phẩm làm ra sạch sẽ và thơm ngon hơn rất nhiều so với nướng tại nhà; mang lại nguồn thu nhập đáng kể, tạo nhiều công ăn việc làm ổn định nên các hộ dân phấn khởi hơn.
Theo những người làm nghề, cá để nướng tại các lò nướng ở cụm công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim có rất nhiều loại và nhiều kích cỡ khác nhau. Trong đó, chủ yếu là loại cá thu, cá nục hoa, cá nục chuối, cá bạc má, cá trích, cá cơm, cá đục, cá chim biển…, được đánh bắt ở vùng biển các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Tiêu chí hàng đầu của cá nướng là phải tươi ngon, sạch sẽ, chỉ nướng bằng than củi, tuyệt đối không được cho gia vị, phụ phẩm. Cá nướng đến khi thấy thân cá chín vàng đều, vảy hơi cháy sém, mỡ cá chảy ra, mùi thơm ngào ngạt là được (thường cá được nướng khoảng 10-15 phút).
Cá sau khi nướng xong sẽ được khách hàng đưa phương tiện đến tận nơi vận chuyển đi tiêu thụ khắp các địa phương trong tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh ở khu vực Bắc Trung bộ, làm quà gửi đi Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, các tỉnh Tây Nguyên…
Hàng chục năm gắn bó với nghề nướng cá, bà Nguyễn Thị Thương (trú xã Thạch Kim) cho biết, công việc này khá bận rộn, vất vả, phải thức dậy sớm và thường xuyên tiếp xúc với hơi nóng của lửa, người lấm lem than khói, sặc mùi cá nướng, nhất là về mùa hè nên đòi hỏi phải kiên trì, chịu khó và có tâm huyết với nghề. Hằng ngày, khoảng 4-5 giờ sáng là bắt đầu thức dậy để chuẩn bị làm việc cho đến chiều mới xong.
Theo bà Nguyễn Thị Thương, bình quân, mỗi lò tại đây có thể nướng từ 2 đến hơn 3 tạ cá/ngày, có lò nướng hơn 4 tạ cá/ngày, tùy theo số lượng khách đặt, có bao nhiêu nướng bấy nhiêu. Nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, cá nướng tiêu thụ số lượng lớn hơn so với những ngày bình thường.
Ông Phạm Duy Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết, hiện nay có khoảng 40 hộ dân đang làm nghề nướng cá tại cụm công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim. Năm 2020, địa phương bắt đầu vận động thành lập các hợp tác xã nướng cá vào cụm tập trung, bình quân mỗi ngày nướng hàng tấn cá các loại, đặc biệt trong dịp tết thì số lượng nhiều hơn. Ngày thường giá trị kinh tế từ nướng cá tại đây đạt khoảng 240 triệu đồng, bình quân thu nhập từ 4,5 đến 5 triệu đồng/lao động/tháng, giải quyết công ăn việc làm cho trên 200 lao động.
Theo ông Phạm Duy Khánh, nghề nướng cá của người dân ở xã Thạch Kim đóng góp rất quan trọng trong chế biến hải sản, đưa hải sản ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm đóng góp 1/3 thu nhập trong lĩnh vực chế biến hải sản trên địa bàn. Dự kiến, trong năm 2024, địa phương sẽ làm hồ sơ đề nghị công nhận nướng cá là nghề truyền thống, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động 5-10 hộ dân đang ở trong khu dân cư vào làm nghề nướng cá tập trung trong cụm công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim.