Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Phú, đến nay toàn phường còn 17 hộ thuộc 5 tổ hợp tác trồng hoa mai, cây kiểng với diện tích gần 8.000m2, giảm so với năm 2017 gần 3.000m2 (do diện tích người dân thuê mướn hết hạn). Trong năm 2018, UBND phường và ngành chức năng đã hỗ trợ 5 tổ hợp tác hàng tỷ đồng, trong đó hộ được vay nhiều nhất là 300 triệu đồng để đầu tư trồng mai, cây kiểng.
Nghề trồng mai cho thu nhập mỗi năm trên dưới 400 triệu đồng, cá biệt có gia đình sau khi trừ chi phí đầu tư, thuê mướn nhân công còn lãi khoảng 700 triệu đồng. Đó là gia đình anh Nguyễn Văn Hiền (46 tuổi, ngụ khu phố Đông).
Anh Hiền cho biết, các năm trước, khi còn thuê được diện tích lớn, anh trồng khoảng 3.000 gốc mai trên diện tích hơn 4.000m2, năm nào cũng thuê 20 - 30 người để cắt lá cho gần 3.000 gốc và chỉ cần bán được khoảng 20% số gốc là đã có lời. Số mai còn lại thì cho các trung tâm thương mại, trụ sở công ty, ngân hàng thuê. Có gốc mai giá trị thuê lên tới hơn 30 triệu đồng. Năm nay, diện tích trồng mai chỉ còn gần 2.000m2 nhưng số gốc mai không giảm so với năm ngoái nên gia đình đủ chi phí chi trả thù lao cho công nhân ở mức 7 triệu đồng/tháng (tăng 2 triệu đồng so với năm 2017) để giữ chân người lao động, phục vụ chăm sóc và vận chuyển mai những ngày tết.
Còn gia đình ông Huỳnh Văn Tánh (75 tuổi, ngụ khu phố Tây, phường Vĩnh Phú), mặc dù diện tích trồng mai, cây kiểng nhỏ hơn (khoảng 1.500m2), nhưng ông là người trồng mai lâu đời nhất ở tỉnh Bình Dương và có khá nhiều gốc mai độc, lạ. Năm 2018, ông Tánh đưa mai và cây kiểng của mình đi trưng bày, bán ở nhiều hội chợ hoa tại TPHCM, TP Thủ Dầu Một… với doanh thu được hơn 1 tỷ đồng. Riêng năm nay, do có thêm vốn nên ông đã đầu tư thêm 200 gốc mai và bỏ hẳn việc trồng hoa chậu để đầu tư chăm sóc cây kiểng. Giá bán dự kiến cũng sẽ tăng hơn 10% so với năm 2018.
Đến thời điểm này, thời tiết tương đối thuận lợi nên những người trồng mai ở phường Vĩnh Phú rất yên tâm và chộn rộn mong tết đến để xuống lá mai. Để duy trì và phát triển nghề trồng mai truyền thống, trong nhiều năm qua, chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ dân hướng đến nền nông nghiệp đô thị trên nền tảng xanh, sạch; ngoài hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi còn hướng dẫn người dân kỹ thuật lai tạo giống, chăm sóc cây trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau; tư vấn thay đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng; tổ chức các cuộc thi nhằm tôn vinh nghệ nhân và tìm kiếm thị trường tiêu thụ…