Sau khi dư luận trút bức xúc lên Khaisilk vì liên quan đến vụ khăn tơ tằm có tới hai chiếc tem mác “made in China” lẫn “made in Vietnam”, trên mạng xã hội nhiều người cho rằng không riêng Khaisilk, mà ở một số trung tâm sản xuất và buôn bán lụa tơ tằm như làng lụa Vạn Phúc – Hà Đông (Hà Nội) cũng đang kinh doanh rất nhiều lụa từ Trung Quốc.
Sự thật về Khaisilk đã làm nhiều chủ shop ở Vạn Phúc như ngồi trên lửa, lo lắng. Chiều 27-10, ông Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc đã phải tổ chức một cuộc họp nóng ngay tại hội trường UBND phường Vạn Phúc để thông tin về tình hình cũng như dư luận xã hội đồng thời đưa ra khuyến cáo bà con nên minh bạch khi bán hàng.
Trao đổi với PV Báo SGGP cuối buổi họp, ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc khẳng định, tại Vạn Phúc hiện đang có 110 cửa hàng kinh doanh lụa nhưng không có chuyện các cửa hàng bán hàng Trung Quốc.
Hiện hiệp hội làng Vạn Phúc đang có 401 hội viên. Các chủ hộ nằm ngoài hiệp hội thì ông Hà không nắm được nhưng không có chuyện làng Vạn Phúc chỉ bán lụa nhập từ Trung Quốc mà không dệt lụa. Bởi trong hiệp hội hiện vẫn có 264 máy dệt đang hoạt động.
Tuy nhiên, các hội viên trong hiệp hội cũng chia sẻ rằng, xưởng nào dệt thì bán tại shop trưng bày của xưởng đó, không có đủ sản phẩm để bán ra bên ngoài. Trước đây thì có làm theo đơn đặt hàng ở Đà Nẵng, Sài Gòn nhưng nay chỉ bán tại shop cũng không đủ.
Năm 2016, tổng sản lượng lụa mà các hội viên của hiệp hội lụa Vạn Phúc làm ra là 1,8 triệu mét. Nghị quyết của HĐND phường Vạn Phúc đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt 2 triệu mét/năm. Ông Phạm Khắc Hà cũng phủ nhận thông tin tơ để dệt lụa Vạn Phúc là tơ nhập từ Trung Quốc. Vì hiện nay nguồn tơ mà các xưởng đang sử dụng là tơ nhập từ Bảo Lộc - Lâm Đồng do các nhà máy ươm tơ của Nhật Bản và Hàn Quốc sản xuất.
Mặc dù vậy, theo khảo sát của chúng tôi, tại một số cửa hàng ở đầu làng Vạn Phúc vẫn có lụa nhập từ Trung Quốc. Cách phân biệt đơn giản là lụa của Trung Quốc chỉ dệt một mặt và in hoa văn lên lụa chứ không phải dệt. Còn lụa xịn của Vạn Phúc thì dệt 2 mặt (tức dùng mặt nào cũng được), có chữ “lụa Hà Đông” được dệt chìm vào lùa chứ không phải in như hàng Trung Quốc.