Đây cũng là vở diễn báo cáo tốt nghiệp của sinh viên Nguyễn Thị Linh Phượng (NS Thy Nhung), khoa Sân khấu, lớp ĐH Đạo diễn sân khấu khóa 5.
Không gian câu chuyện kịch diễn ra tại xóm chài ven biển. Nơi có những người dân miền biển chân chất, cần cù lao động, xem công việc chài lưới, đánh bắt cá, là nghiệp, là duyên nợ, là niềm vui, lẽ sống.
Họ yêu biển, trân quý công việc và nguồn sống mà biển đem lại cho con người. Tuy nhiên, biển mênh mông, bao la rộng lớn cũng chất chứa biết bao hiểm nguy tính mạng.
Ở làng chài nhỏ bé ấy có câu chuyện tình trong trẻo và thật đẹp của Trung (NS Nguyễn Minh Trường) và Út Lành (diễn viên Tú Tri), cũng như bao sóng gió hôn nhân trong gia đình nhỏ của Mận (Hồng Trang), chị của Út Lành.
Thiện (Vũ Trần), chồng Mận, là người dễ tin người, dở tính toán, làm việc gì cũng không xong, đã gây bao nợ nần cho vợ gánh vác. Mận đã phải làm việc cật lực ngày đêm để có thêm nhiều hàng khô cá để bán lấy tiền trả nợ cho chồng. Còn Thiện, vì thất chí nên suốt ngày anh chỉ biết nhậu cho thật say, khi say thì về nhà đánh vợ trút giận.
Một ngày, Trung cùng nhóm trai tráng xóm chài đi biển gặp ngay cơn bão lớn, thuyền không kịp quay về đất liền. Trước sự giận dữ của thiên nhiên, bao đợt sóng lớn dồn dập ập tới, đã đánh úp con thuyền nhỏ. Thuyền đắm, trong số những ngư dân mất tích lại không tìm thấy xác của Trung.
Cũng vì niềm tin Trung còn sống khiến Út Lành cứ nửa mê nửa tỉnh, lang thang dọc bờ biển tìm người yêu qua bao tháng năm dài.
Với gia đình nhỏ của Mận, khi đã rơi vào hoàn cảnh cùng quẫn, Thiện lén trộm hai cây vàng của Mận rồi ôm luôn đứa con gái nhỏ bỏ xứ, bôn ba trốn nợ.
Số phận của những người phụ nữ nơi xóm chài nghèo sao mà đau khổ, vất vả, đắng cay quá. Thế nhưng, vì cuộc sống, vì niềm tin một ngày không xa sẽ gặp lại con, tìm được người mình yêu thương, nên chị em nhà Mận cứ thế sống bám víu vào nhau, cùng sẻ chia bao tâm tình, dưỡng nuôi khát vọng về một ngày mai tươi sáng hơn, tình thân sẽ tìm lại được.
Vở kịch được dàn dựng với nhiều sáng tạo, công phu, được chăm chút tỉ mỉ, khai thác khéo léo những góc khuất trong tâm tư, tình cảm con người. Trong đó, nhấn mạnh các mối quan hệ tình yêu, hôn nhân gia đình, tình vợ chồng, mẹ con, dì cháu, tình chòm xóm...
Đặc biệt, nét đẹp văn hóa Nam bộ được chú trọng thể hiện rõ nét trong vở kịch. Trong nhiều cảnh, nội dung và các tình huống kịch được dàn dựng kết hợp hợp lý với các ca khúc: Dạ cổ hoài lang, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Thế sự, Chị đi tìm em, Ngẫu hứng ru con, Chờ trông ai... với sự hỗ trợ của các nhạc sĩ nhạc dân tộc Trần Anh Việt (đàn cò), Nguyễn Nghiệp (đàn kìm), sáng tạo cùng với những màn múa với thuyền thúng, mái chèo, nia tre, đèn, lụa... giúp vở diễn sống động, đa sắc, hấp dẫn người xem.