Cả làng chơi chiêng
Đến làng Kon Măh ngày đầu năm, chứng kiến từ già đến trẻ nườm nượp kéo đến nhà rông cùng đốt lửa, nấu cơm, gương mặt ai cũng vui tươi, hớn hở. Anh Im, Trưởng thôn Kon Măh, cho biết hôm nay làng tổ chức lễ cúng lúa mới. Trong buổi lễ, dân làng sẽ biểu diễn cồng chiêng. Đúng như lời anh Im nói, hết lễ cúng, người dân quây quần đánh chiêng. Tiếng chiêng ngân vang khắp núi đồi. Cả làng, cả bản chìm đắm trong tiếng chiêng. Già Y Kring (74 tuổi) kể, năm 15 tuổi, ông đã được người anh dạy đánh cồng chiêng, 2 năm sau thì thành thạo. Bây giờ ông có thể đánh được hàng chục bài chiêng. Ông đi biểu diễn cồng chiêng khắp huyện, tỉnh. “Còn nhiều người giỏi hơn già nữa. Trong làng người biết đánh cồng chiêng nhiều lắm. Người lớn có, người trẻ có và cả phụ nữ nữa. Đặc biệt, nhiều đứa trẻ mới lớn cũng chơi cồng chiêng thành thạo”, già Y Kring nói, rồi chỉ qua chỗ Y Ngân (13 tuổi), một người trẻ chơi chiêng thành thạo trong làng. Cậu bé Y Ngân gầy còm, da ngăm đen, tính khá rụt rè. Khi nhắc đến cồng chiêng, mắt Y Ngân sáng lên, gương mặt đầy vẻ hào hứng. Y Ngân bắt đầu học đánh cồng chiêng từ năm 10 tuổi. “Hồi ấy, thấy trong làng người dân hay đánh chiêng nên em rất thích. Khi thầy Y Xô mở lớp truyền dạy, ngày em đi học chữ, tối em lại đến nhà rông học đánh cồng chiêng. Học đánh chiêng rất khó, nhiều bài bị quên em phải đến tận nhà nghệ nhân hỏi thêm. Đến nay, em đã đánh thành thạo 5 bài chiêng. Nhiều cuộc thi đánh chiêng ở huyện, tỉnh, đội chiêng của em đều được cử đi thi”, Y Ngân kể.
Theo anh Im, thôn có 80 hộ với 480 khẩu thì hầu hết đàn ông đều biết đánh chiêng, trẻ em độ tuổi 13-16 cũng biết đánh. Thôn tuyển chọn những người đánh giỏi để thành lập 4 đội chiêng, gồm đội chiêng già, chiêng nữ, chiêng thanh niên, chiêng nhí; mỗi đội có 12 người. Những đội này lập ra để đi thi trong các cuộc thi, hoặc biểu diễn, phục vụ trong các dịp lễ.
Truyền dạy để bảo tồn
Anh Im cho biết, dù đời sống còn khó khăn nhưng người dân trong thôn rất có ý thức trong việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Nhiều năm trước, số lượng người biết đánh chiêng rất ít, chủ yếu người lớn tuổi mới đánh được. Lớp trẻ bị cuốn vào các loại hình âm nhạc mới lạ nên không mặn mà đến cồng chiêng. Điều này khiến cho làng lo lắng, sợ lớp già qua đời cồng chiêng sẽ thất truyền. “Cồng chiêng là văn hóa gắn liền với người Ba Na chúng tôi. Thử tưởng tượng sau này làng vắng tiếng chiêng thì sẽ rất buồn. Vậy nên chúng tôi phải tìm cách bảo tồn, nhân rộng. Chúng tôi thống nhất mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho các em nhỏ tại làng. Để làm điều này, già làng, nghệ nhân phải băng đồi núi xuống từng nhà vận động. Khi đã thuyết phục được các em, những nghệ nhân trong làng lại thay nhau truyền dạy hết lớp này đến lớp khác. Nhờ thế, số lượng người biết đánh cồng chiêng tăng lên. Nhiều em nhỏ đoạt giải cao ở các hội thi cấp tỉnh”, anh Im chia sẻ. Nghệ nhân Y Xô, người trực tiếp mở lớp truyền dạy cồng chiêng trong làng cho biết, anh đã mở 7 lớp, mỗi lớp khoảng 18 em. Hàng ngày, anh lên rẫy trồng mì, bắp, tối đến nhà rông dạy chiêng.
Ông Thưuh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hà Tây, cho biết: “Những năm gần đây, làng Kon Măh không chỉ từng bước vươn lên trong phát triển kinh tế mà còn có nhiều bước tiến trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Làng thường xuyên đại diện địa phương tham gia các hội thi, hội diễn cồng chiêng. Kon Măh còn tham gia biểu diễn phục vụ du khách trong lễ hội hoa dã quỳ, núi lửa Chư Đăng Ya và được nhiều du khách khen ngợi”.