Trong những căn nhà vườn xanh um ở làng Kim Long nằm bên dòng sông Hương thơ mộng, tiếng củi tí tách, tiếng nói cười râm ran, những con đường nhỏ dẫn ra bờ sông tấp nập người chuyển gừng, rửa gừng. Bao âm thanh cuộc sống rộn ràng, sôi nổi ấy chỉ có ở làng mứt gừng Kim Long vào những ngày giáp tết.
Bác Nguyễn Văn Dân (60 tuổi, tại 67 Phạm Thị Liên, TP Huế) cho biết, thật ra cách làm mứt gừng ở đây cũng giống bao nơi khác, nhưng mứt gừng Kim Long vốn thơm, cay hơn mứt các vùng vì được chế biến từ củ gừng Tuần - loại gừng trồng trên vùng đất đồi pha sỏi ở ngã ba Tuần, nơi hai nhánh tả và hữu của con sông Hương gặp nhau. Thế nên, chỉ có gừng Tuần thì mới đem lại hương vị mứt gừng Huế truyền thống.
“Gừng củ sau khi gọt vỏ, bào mỏng, rửa sạch, ngâm nước vo gạo khoảng một giờ rồi vớt ra để ráo. Sau đó, đun nước sôi luộc gừng, cho vào một ít chanh, để ráo nước, theo tỷ lệ một đường, một gừng. Sau khi trộn đều để ngấm khoảng một giờ thì cho gừng vào chảo rộng, rim lửa than liu riu. Thỉnh thoảng, trộn đều đến khi mứt gần sánh thì đảo nhanh tay cho tới khi đường thật khô và xếp từng lát gừng duỗi thẳng, đặt chồng lên nhau từng lớp. Khi mứt gừng đã thẳng và khô, để nguội thì cho vào thẫu thuỷ tinh hoặc bao bóng để bảo quản lâu ngày. Đó là lý do cứ mỗi năm chuẩn bị đón Tết, nhiều người thường đến tận làng Kim Long mua cả thúng mứt gừng để biếu tặng bạn bè ở miền Nam để cùng thưởng thức, chia sẻ với món quà xứ Huế quê nhà”, bác Dân nói.
Nghề làm mứt gừng ở làng Kim Long chẳng biết có từ khi nào, chỉ nghe các cụ trong làng kể lại ngày xưa, vua chúa và dòng dõi quý tộc muốn một món ăn ngày tết có hơi ấm để chống chọi với cái rét cuối năm lạnh cắt da thịt. Thế nên, những người trong làng Kim Long nghĩ ra cách làm mứt gừng để tiến vua.
“Mứt gừng hiện có giá 50.000 - 65.000 đồng/ký, góp phần giúp nhiều hộ có thu nhập ổn định và đặc biệt là gìn giữ nét văn hóa ngày Tết. Nhưng vì tính chất thời vụ, thị trường tiêu thụ bị động, các mặt hàng ngoại nhập đa dạng, giá thành rẻ hơn rất nhiều nên số hộ làm mứt đang có xu thế giảm dần”, ông Trương Đình Tín - người làm nghề mứt gừng lâu năm ở Kim Long chia sẻ.
"Để duy trì làng nghề truyền thống này, UBND phường Kim Long đã có chính sách tạo điều kiện cho những hộ làm mứt gừng tín chấp vay ngân hàng để lấy vốn mua nguyên liệu. Tuy nhiên, chính sách này cũng không khả thi vì chính những người làm mứt gừng không còn mấy mặn mà với nghề cho thu nhập thấp", ông Long cho biết thêm.