Đào lo rét đậm
Làng trồng đào La Cả, phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội có khoảng 30ha. Những năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa nên diện tích trồng đào ngày một thu hẹp, người trồng đào ở đây phải đi xa 10km thuê đất để duy trì nghề trồng đào. Làng đào La Cả chủ yếu trồng các loại đào hạt, đào phai và đào bích. Tuổi đời chỉ sau Nhật Tân, đào La Cả ngoài việc cung cấp đào tết cho Hà Nội còn cho khu vực lân cận khác. Thời điểm này, người dân làng đào La Cả và đào Nhật Tân đang tất bật tuốt lá để hoa đào nở đúng dịp tết như mong muốn. Những người trồng đào cho hay, thời gian trước tết khoảng 60 ngày, đào phải được tuốt lá để dinh dưỡng tập trung nuôi nụ hoa, thời gian tuốt lá diễn ra trong khoảng 15 - 20 ngày.
Ở làng đào La Cả, hộ gia đình ít cũng trồng khoảng hơn 100 gốc, nhiều có khoảng hơn 1.000 gốc, tối thiểu gốc đào có tuổi từ 2 - 3 năm, nhiều lên tới vài chục năm. Những gốc đào già, tuổi cao, người dân không bán mà chỉ cho thuê, hết tết lại mang về cho xuống đất chăm sóc để năm sau tiếp tục cho thuê. Thời điểm này, miền Bắc đang rét đậm, người trồng đào ở Hà Nội nửa mừng, nửa lo. Mừng vì sẽ khống chế được nụ hoa phát triển sớm, nở sớm; nhưng cũng lo vì nếu rét đậm kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của nụ hoa, ảnh hưởng tới thời gian đào tết. Theo những người trồng đào, khoảng 20 tháng Chạp phải có đào để bán. Mong muốn là vậy, nhưng người trồng đào còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.
Chị Nguyễn Thị Nấm, người trồng đào ở làng La Cả cho biết, với 500 gốc đào, chị phải thuê người để tuốt lá cho kịp thời gian đào nở hoa dịp tết. Vườn đào nhà chị chủ yếu trồng đào hạt, việc tuốt lá diễn tra trong 10 ngày. Thời gian tuốt lá cũng là yếu tố quyết định tới việc đào nở hoa đúng dịp, nhưng không hẳn là chủ yếu, bởi thời tiết mới quyết định. “Đào ưa thời tiết lạnh, nhưng lạnh vừa còn được, nếu trời rét đậm cùng với sương muối thì đào sẽ “đứng im” không phát triển được, không nở hoa được. Người trồng đào hầu như phó thác cho thời tiết, mặc dù việc chăm sóc cũng rất cẩn thận”, chị Nấm nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Huy Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội, cho biết trước kia diện tích trồng đào khoảng vài trăm hécta, nhưng do đô thị hóa nên hiện nay chỉ còn khoảng 30ha. Để duy trì trồng đào, người dân Dương Nội tiếp tục đi xa để thuê đất ở các phường Đại Mỗ, Tây Mỗ… “Người dân Dương Nội có kỹ thuật trồng đào tốt, hiện duy trì các loại đào cành, đào hạt, đào thế. Hàng năm, nguồn thu nhập từ trồng đào cũng rất cao, nhưng còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết”, ông Quang chia sẻ.
Tại làng đào Nhật Tân, theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn các vườn đào người dân đã hoàn thành xong việc tuốt lá. Người trồng đào Nhật Tân sợ rằng, năm nay đào sẽ nở sớm hơn, do thời điểm này lá đào đã vàng, không xanh như mọi năm. Tại làng đào truyền thống Phú Thượng, quận Tây Hồ, một vài gia đình đã hoàn tất việc cho đào thế vào chậu và bày dọc quốc lộ. Anh Công Văn Hùng, người trồng đào lâu năm làng Phú Thượng, nói rằng, đào năm nào cũng đẹp, nhưng lo nhất vẫn là nguồn ra. “Nguồn ra chúng tôi lo nhất, còn trúng mùa hay trượt mùa là do số trời. Nguồn ra đã khó khăn, cùng với năm dịch Covid-19 hoành hành, kinh tế sẽ ảnh hưởng nhiều, người dân cũng phải suy nghĩ khi chơi đào”, anh Hùng chia sẻ và nói thêm, những cây đào to, già, đầu ra là quan trọng nhất. Với cây đào già, người trồng đào sẽ cho thuê, giá thuê mỗi gốc cũng tiền triệu, nhưng năm nay ảnh hưởng dịch nên có thể giá thuê sẽ rẻ hơn.
Cúc, thược dược lại lo nồm
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Tây, làng trồng hoa Tây Tựu cũng hối hả không kém. Tây Tựu là làng trồng hoa lớn nhất của Hà Nội, những ngày này, khắp các cánh đồng hoa, người dân cũng tất bật chăm sóc các loại hoa để hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán.
Chị Nguyễn Thị Nga, người trồng hoa cúc tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm cho biết, nhà chị trồng 1.800m² hoa cúc để phục vụ dịp tết, thời tiết lạnh như hiện tại sẽ kiềm chế sự phát triển của hoa; nhưng thời tiết nồm (độ ẩm không khí cao) hoa phát triển nhanh. Người trồng hoa sợ nhất rét đậm kéo dài khoảng 15 - 20 ngày, lúc đó hoa sẽ không kịp cho tết. Theo chị Nga, năm trước nhà chị được mùa hoa cúc, nhưng hoa lại nở sớm ở thời điểm ông Công, ông Táo nên giá thành rẻ, bán chỉ được 3.000 đồng/bông; nếu nở đúng dịp giá có thể lên tới 5.000 đồng/bông.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cúc (làng hoa Tây Tựu) cho biết, gia đình bà thường xuyên trồng hoa thược dược phục vụ tết. Nếu thời tiết ủng hộ gia đình sẽ có một cái tết “tươm tất”. Tuy nhiên, theo bà Cúc, hoa thược dược là loại hoa tương đối khó chăm sóc, gặp thời tiết giá lạnh hoa khó lên. Khi hoa tới vụ thu hoạch, bà Cúc bẻ cành để bán, nếu tết năm nào được giá bán 10.000 đồng/cành, còn trung bình 5.000 đồng/cành. “Trời miền Bắc mà nồm nhiều, hoa phát triển sớm trước thời điểm tết giá lại rẻ. Nói chung, chúng tôi làm hoa còn theo thời tiết nữa, sức người không thể biết trước được”, bà Cúc nói.
Theo lãnh đạo UBND phường Tây Tựu, năm 2020, mặc dù tác động của dịch Covid-19 đến toàn thể nền kinh tế, nhưng kinh tế địa phương vẫn tăng theo hướng tập trung phát triển nông nghiệp - dịch vụ - thương mại. Trong đó, chú trọng khai thác thế mạnh của địa phương là nông nghiệp trồng hoa, khuyến khích nhân dân chuyển đổi trồng các giống hoa có chất lượng cao như hoa ly, hoa đồng tiền, hoa loa kèn... Hiện nay, phường Tây Tựu có hơn 700ha tổng diện tích các cây trồng, trong đó hơn 400ha người dân thuê ngoài để trồng hoa và khoảng gần 300ha diện tích hoa được trồng tại địa phương. Bên cạnh trồng hoa, Tây Tựu còn có thêm 4ha trồng rau các loại. Hiện, Tây Tựu có khoảng 75% hộ gia đình trồng hoa với thu nhập bình quân 47 triệu đồng/năm.
* Mai vàng nở sớm, nông dân lo lắng QUỐC AN |