Nếu như di sản văn hóa thế giới Hội An được nhiều người biết đến với những ngôi nhà cổ, những dãy phố cổ mang nhiều nét kiến trúc Nhật Bản, Trung Hoa thì cách trung tâm phố cổ không xa, làng gốm Thanh Hà lại hoàn toàn mang những đặc trưng văn hóa của một làng cổ truyền thống Việt Nam.
Chuyện xưa kể lại…
Sau hơn 4 thế kỷ tồn tại, gốm Thanh Hà – Hội An cũng đã góp một phần tạo nên tiếng vang cho các sản phẩm gốm Việt Nam. Tuy nhiên, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, làng gốm đang dần mai một và có nguy cơ biến mất trong bản đồ làng gốm Việt Nam… Cụ Võ Công Hề, một trong những nghệ nhân cao tuổi còn lại của làng gốm Thanh Hà cho biết, từ xa xưa, người dân vùng Thanh Hóa do cuộc sống khó khăn đã di cư vào vùng đất Quảng Nam để lập nghiệp.
Trong số này, 6 dòng họ có truyền thống làm gốm ở Thanh Hóa là họ Võ, Nguyễn, Đinh, Ngô, Phạm, Huỳnh. Khi đến bên bờ sông Thu Bồn và nhận thấy đất sét vùng này rất tốt cho việc làm gốm, đoàn người đã dừng chân lập làng, từ đó hình thành nên cái tên Thanh Hà - có nghĩa là người Thanh Hóa sống bên bờ sông.
Theo tài liệu nghiên cứu về đô thị cổ Việt Nam của Viện Sử học thì cái tên làng Thanh Hà đã có từ trước năm 1626. Như vậy, có thể nói làng Thanh Hà đã hình thành cùng với phố cổ Hội An, thậm chí khi thương cảng Hội An chưa phát triển hưng thịnh thì làng Thanh Hà đã phát triển nghề gốm rồi.
Cụ Hề cho biết thêm, theo lời ông bà kể lại, làng gốm đã có nhiều thăng trầm, giai đoạn hưng thịnh được nhiều người dân biết đến nhất là vào thời nhà Nguyễn. Khi ấy, rất nhiều thợ gốm trong làng được mời ra kinh thành Huế làm gạch, ngói xây kinh thành và lăng tẩm cho các vua, trong số đó có không ít người được phong quan. Thế nhưng kể từ khi thương cảng Hội An không còn sầm uất nữa, rồi chiến tranh xảy ra liên miên, người làng gốm dần bỏ xứ đi nơi khác lập nghiệp.
Đến những năm 1930 của thế kỷ thứ 20 thì làng chỉ còn khoảng vài chục hộ làm gốm và ngôi làng trù phú bên dòng sông do sự bồi lấp của con sông Thu Bồn đã bị sạt mất gần 1/3 làng.
Bác Lê Hưng nay đã vào tuổi “thất thập” - một trong những nghệ nhân làm gốm còn lại của làng -chỉ cho tôi vị trí của những lò gốm bị mất tích dưới dòng sông.
Chỉ tay ra bãi bồi giữa dòng sông, ông nói: “Tôi nhớ, hồi những năm 1940, bãi bồi kia còn nối liền với làng và trên đó có đến 3 lò gốm lớn lắm, miếu bà được xây từ khi mới lập làng cách bờ sông độ 10m, nay cũng đã trôi theo dòng sông…”. Dẫn chúng tôi đi dọc theo dòng sông Thu Bồn, vừa giới thiệu Nam Diêu tổ miếu, nhà tổ thờ những vị tổ của nghề… và ẩn chứa đâu đó trong lời nói của ông là sự tiếc nuối về một thời hưng thịnh của gốm Thanh Hà xưa.
Có lẽ nơi còn mang đậm dấu tích truyền thống văn hóa của một làng quê Bắc bộ là đình Xuân Mỹ. Theo cụ Hề thì đình được xây từ khi nào không biết, nhưng từ khi cụ còn nhỏ, đình là nơi quy tụ người làng trong những dịp lễ hội và trong ngày cúng tổ. Cụ nói: “Hiện tôi là người được giao trông giữ đình để nhang khói thờ 6 họ đầu tiên đến đây lập làng làm gốm…”. Trước đình là cây đa, nằm ẩn trong những chùm rễ đa là miếu thờ thổ thần…
Bảo tồn làng gốm…
Theo anh Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thị xã Hội An, một thời hưng thịnh là thế, nhưng hiện nay làng gốm chỉ còn khoảng chục hộ đang còn làm và có thể sống nhờ vào nghề gốm. Có nhiều nguyên nhân khiến nghề gốm ở Thanh Hà tàn lụi, trong đó có nguyên nhân chính là hầu hết các mặt hàng mà người dân nơi đây sản xuất là nồi, bếp, chén bát, chum vại… - những vật dụng mà khi nền kinh tế phát triển cùng với sự du nhập ồ ạt các sản phẩm hiện đại bằng sành sứ, nhôm, inox, nhựa… đã chèn chết các sản phẩm gốm.
Mặc dù nhiều hộ làm gốm đã biết tận dụng lợi thế du lịch của phố cổ Hội An để sản xuất các mặt hàng bán cho du khách như con tò he, lồng đèn đất… nhưng do chưa được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan chức năng nên vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của làng nghề này. Nguyên nhân thứ hai là tình trạng sạt lở đất, theo những người cao tuổi trong làng thì khoảng 70 năm trở lại đây, dòng sông Thu Bồn đang dần chuyển hướng.
Với lợi thế về khai thác du lịch cũng như trước nguy cơ bị xóa sổ một làng nghề truyền thống, Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam phối hợp thị xã Hội An tổ chức thực hiện đề án “Bảo tồn - phát huy và khai thác du lịch làng gốm Thanh Hà”.
Theo đó, Trung tâm Văn hóa thị xã đưa miếu Nam Diêu (miếu thờ tổ nghề gốm), đình Xuân Mỹ vào phục vụ tham quan, đồng thời kết hợp đưa lễ hội cúng miếu tổ ngày 10 tháng giêng hàng năm vào khai thác du lịch; cử các nghệ nhân của làng đi học tập kinh nghiệm sản xuất, mẫu mã, kiểu dáng, mở rộng thị trường tại các trung tâm sản xuất gốm nổi tiếng như Bát Tràng, Hải Dương, Lái Thiêu… Song song đó, chính quyền đầu tư xây kè chống xói mòn, sạt lở dọc bờ sông…
“Trong tương lai không xa, khi đến với Hội An du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những nét kiến trúc độc đáo của phố cổ, được tắm và thưởng ngoạn những rặng san hô dưới làn nước xanh biển Cửa Đại, mà đến đây, du khách còn có thể tham quan, tìm hiểu về một làng nghề truyền thống mang phong cách và đặc trưng văn hóa một làng cổ Việt Nam bên dòng sông Thu Bồn đầy thơ mộng…”, ông Phùng nói.
CHIẾN DŨNG