Làng du lịch - tầm nhìn của Indonesia

Trong các chiến dịch phục hồi ngành du lịch hậu đại dịch Covid-19 vừa công bố tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 vừa qua, Chính phủ Indonesia đẩy mạnh triển khai chiến dịch Desa Wisata (Làng Du lịch) nhằm khai thác tiềm năng du lịch và nâng cao sức cạnh tranh cải thiện đời sống của người dân địa phương.
Làng du lịch Penglipuran ở Bali
Làng du lịch Penglipuran ở Bali

Làng du lịch được chọn ưu tiên vì tác động trực tiếp đến cộng đồng. Chính quyền trung ương, tỉnh và huyện giám sát việc thực hiện “desa wisata” để đảm bảo ngân sách mang lại lợi ích lâu dài cho dân làng. Du lịch cũng làm tăng trưởng kinh tế ở các vùng nông thôn do hiệu ứng lan tỏa, thể hiện qua việc các nhà khai thác du lịch chi tiêu cho chính cộng đồng của họ. Khi người dân nhận ra rằng thiên nhiên, các hoạt động văn hóa và ẩm thực của làng hấp dẫn du khách, tạo ra nguồn thu nhập của làng, họ sẽ thay đổi nhận thức. Các hoạt động du lịch “desa wisata” sẽ do cộng đồng hình thành và lãnh đạo, chẳng hạn như quản lý và cho thuê chỗ ở, bán đồ lưu niệm, thức ăn… Bằng cách thu hút sự tham gia của dân làng, thu nhập sẽ trực tiếp đến với làng chứ không phải về các công ty tư nhân, doanh nhân hay chính phủ.

Indonesia có nhiều làng du lịch sở hữu những nét độc đáo cả về môi trường tự nhiên lẫn văn hóa. Tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của vùng nông thôn như cánh đồng lúa, sông, núi và không khí mát mẻ; các sự kiện văn hóa được phép, chẳng hạn như đám cưới, đám tang, lễ kỷ niệm ngày lễ, khiêu vũ và ẩm thực… Tất cả đều được cộng đồng địa phương, chính phủ, khu vực tư nhân, các trường đại học và giới truyền thông hỗ trợ. Du khách có thể tham gia các hoạt động địa phương khi tham gia những trải nghiệm thú vị như chăn trâu, bò hoặc trồng lúa.

Cao nguyên Dieng, vẻ đẹp thiên nhiên không tuổi nằm ở độ cao hơn 2.000m so với mặt nước biển, là một điển hình về phát triển du lịch dựa vào cộng đồng được thực hiện tốt vì chương trình đã giúp ích cho cả vùng kinh tế. Ở vùng cao nguyên nằm ở trung tâm Java này có ngôi làng Dieng Kulon lẩn khuất trong mây. Địa điểm bí ẩn này là minh chứng cho mô hình du lịch làng quê và dựa vào thiên nhiên ở Indonesia, với đặc sản là băng giá và những vụ khoai tây ở làng.

Chính phủ Indonesia coi các làng du lịch là ưu thế vượt trội và là ưu tiên hàng đầu, là điểm đến du lịch bền vững và đẳng cấp thế giới, trong nỗ lực phục hồi ngành công nghiệp không khói giai đoạn hậu đại dịch Covid-19. Trước đó, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno cũng đã phát động “Giải thưởng Làng Du lịch Indonesia (ADWI)” năm 2023 với chủ đề “Du lịch đẳng cấp thế giới để phát triển Indonesia” với mục tiêu nâng số lượng làng du lịch lên 4.000 làng vào cuối năm nay, từ mức 3.419 làng vào năm ngoái. Cũng theo ông Sandiaga, ngoài việc thu hút khách du lịch nội địa, một trong những mục tiêu của việc tổ chức ADWI là tạo nhận thức cho các chủ thể kinh doanh về du lịch và kinh tế sáng tạo. Hiện có một số làng hoạt động hiệu quả như làng du lịch Tetebatu (ở Tây Nusa Tenggara), làng du lịch Wae Rebo (ở Đông Nusa Tenggara), làng du lịch Nglanggeran (ở Gunung Kidul, Yogyakarta), làng du lịch Pujon Kidul (ở Đông Java). Theo các chuyên gia, phát triển bền vững, một nguyên lý trung tâm của Liên hiệp quốc được 193 quốc gia thành viên hỗ trợ, có thể phát sinh từ sự phát triển của “desa wisata”.

Tin cùng chuyên mục