Làng du lịch cộng đồng “cất cánh”

Tại các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, hiện nay nhiều buôn làng đang phát triển các mô hình du lịch cộng đồng và bước đầu có những tín hiệu tích cực. Du lịch cộng đồng được đánh giá là hoạt động không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp phần bảo tồn, tôn vinh nét văn hóa truyền thống bản địa Tây Nguyên.
Du khách thích thú khi được mặc trang phục và thưởng thức ẩm thực của người M’Nông tại buôn Le, huyện Lắk
Du khách thích thú khi được mặc trang phục và thưởng thức ẩm thực của người M’Nông tại buôn Le, huyện Lắk

Kon Tum hiện có nhiều làng du lịch nổi tiếng như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông), Làng du lịch Kon Kơ Tu (xã Đắk Rơ Wa, TP Kon Tum), Làng du lịch cộng đồng Kon Brăp Du (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy), Làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà)… Những làng du lịch này vẫn giữ nét hoang sơ, mộc mạc; văn hóa của người bản địa, bước đầu đã thu hút được khách du lịch, mang lại thu nhập cho người dân địa phương cũng như góp phần bảo tồn văn hóa cộng đồng nơi đây.

Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu (xã Đắk Rơ Wa) nằm nép mình bên dòng sông Đắk Bla huyền thoại, cách TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) khoảng 5km. Đặc sản du lịch của làng là tìm hiểu về lễ hội văn hóa truyền thống, tạc tượng gỗ, dệt thổ cẩm, đi thuyền độc mộc trên sông Đắk Bla, tham quan kiến trúc làng, nhà rông, nhà nguyện, giao lưu văn hóa cồng chiêng. Sản phẩm du lịch nơi đây bao gồm dệt thổ cẩm và các mặt hàng thời trang liên quan đến thổ cẩm như túi xách, váy áo, khăn choàng…

Ông Đào Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Đắk Rơ Wa, cho biết, xã xác định phát triển du lịch cộng đồng là ngành kinh tế mũi nhọn, nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Thời gian qua, khi làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu được thành lập, khách đến đông hơn, thu nhập bà con vì thế cũng tăng lên. Nhờ nguồn thu này, người dân có điều kiện để mua sắm trang thiết bị phục vụ kinh doanh homestay. Không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân, làng du lịch cộng đồng đã góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương như cồng chiêng, dệt thổ cẩm, nấu rượu ghè.

Tại Đắk Lắk, những năm qua, nhiều buôn làng cũng phát triển mạnh các mô hình du lịch cộng đồng và đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực. Điển hình như buôn Ako Dhong, nằm ngay trung tâm TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) được đánh giá là buôn đồng bào dân tộc Ê Đê giàu có nhất tỉnh nhờ phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Dạo quanh buôn Ako Dhong, có thể thấy hàng chục căn nhà sàn vẫn giữ nguyên kiến trúc truyền thống nằm theo trục đường. Từ nhiều năm trước, người dân trong buôn đã biết tận dụng không gian văn hóa truyền thống của dân tộc để phát triển các mô hình du lịch văn hóa cộng đồng. Nhiều gia đình đã tận dụng ngôi nhà sàn truyền thống để làm các quán cà phê, homestay. Các ngành nghề dệt thổ cẩm, làm rượu cần, đồ mỹ nghệ của người dân trong buôn cũng mang lại lợi nhuận kinh tế cao nhờ phục vụ khách du lịch.

Ngược về huyện Lắk (Đắk Lắk), những năm gần đây, một nhóm bạn trẻ cũng liên kết phát triển du lịch cộng đồng. Anh Y Lâm Đăng Bing (30 tuổi, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) là người khởi xướng mô hình này. Năm 2019, Y Lâm bắt tay vào xây dựng “Pai R’lăm”, tái hiện lại không gian sống, các hoạt động lễ hội, ẩm thực của người M’Nông để phục vụ khách du lịch. Trong “Pai R’lăm”, những hiện vật sinh hoạt đời thường của người M’Nông như nỏ, xà gạt, gùi, chăn thổ cẩm... được mang ra trang trí rất bắt mắt, khiến du khách vô cùng thích thú. Y Lâm cũng chú trọng các món ăn dân dã của người M’Nông để phục vụ khách du lịch như: thịt bóp rau, canh măng núi lửa, gà nướng, cơm lam… Đêm đến, anh tổ chức đốt lửa trại, đánh cồng chiêng để giới thiệu các lễ hội với du khách.

Bí thư huyện Lắk Võ Ngọc Tuyên cho biết, huyện có hơn 60% là đồng bào dân tộc tại chỗ, trong đó có 50% là đồng bào dân tộc M’Nông. Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ vừa qua cũng hướng tới việc phát triển du lịch cùng bảo tồn văn hóa dân tộc. Việc phát triển du lịch văn hóa cộng đồng là một trong những hướng đi của địa phương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn văn hóa dân tộc. “Địa phương khuyến khích thế hệ trẻ như anh Y Lâm Đăng Bing phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, vì chỉ có người bản địa mới hiểu hết văn hóa của dân tộc mình và thực hiện được một cách tốt nhất. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những cá nhân, đơn vị phát triển ngành nghề này ở địa phương...”, Bí thư huyện Lắk khẳng định.

Công nhận Làng du lịch Kon Jơ Dri

UBND tỉnh Kon Tum vừa có quyết định công nhận điểm du lịch Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri (xã Đắk Rơ Wa, TP Kon Tum). UBND tỉnh Kon Tum giao UBND TP Kon Tum quản lý điểm du lịch này.

Theo ông Đào Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Đắk Rơ Wa, việc được UBND tỉnh công nhận điểm du lịch Kon Jơ Dri có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương, thu hút đầu tư, kết nối du lịch bền vững. Định hướng sắp tới của xã là thu hút đầu tư vào làng để thúc đẩy phát triển du lịch tại điểm du lịch này.

Tin cùng chuyên mục