
Chuyển lên thành phố trọ học từ tháng 8-2007, gần 3 năm rồi chúng tôi mới có dịp trở lại thăm “làng” Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM. Nhớ lại ngày rời “làng” vào trung tâm thành phố tiếp tục con đường sách vở, bọn sinh viên chúng tôi đứa nào cũng sụt sùi, tiếc nuối. Tạm biệt những bãi đất trống mỗi chiều đá banh, thả diều. Tạm biệt cái nắng, cái gió lồng lộng, hoang vắng chỉ riêng mình Thủ Đức mới có. Không còn những buổi trưa giành bàn ngồi ở mấy quán cơm bụi lụp xụp bên đường, không được “cỡi ngựa sắt” trên mấy con đường ngoằn ngoèo, trải đá dăm mấp mô nữa. Lũ con gái hết phải sợ sệt mỗi khi đi học về muộn, rủ nhau lội bộ trên con đường tối hun hút, dài 2 km từ Trường ĐH KHXH-NV về đến ký túc xá (KTX) ĐHQG…

Để rồi trong một ngày nắng đẹp cuối tháng ba, “làng” cũ đã hân hoan đón những “đứa con” từ xa trở về. Con đường lầy lội, bụi bẩn ngày nào nay được tráng nhựa phẳng lì, cách quãng còn có bảng hướng dẫn đường đi vào các khu tòa nhà trung tâm. Cửa hàng, quán xá hai bên đường mọc lên như nấm với tủ kính sáng choang, bàn ghế ngăn nắp. Đặc biệt khu Trung tâm Dịch vụ đời sống ĐHQG với diện tích gần 2 ha đã “mọc lên” đầy đủ các dịch vụ như siêu thị, khu nhà ăn, nhà sách, hội quán, cửa hàng quần áo thời trang, hiệu thuốc, tiệm Internet…
Những căn nhà lụp xụp cấp bốn cách đây 3 năm nay thay đổi hoàn toàn, khang trang và hiện đại hơn rất nhiều. Đêm đến, dãy đèn cao áp thắp sáng cả một vùng không gian rộng lớn, người qua lại nhộn nhịp, tấp nập chẳng khác gì một khu trung tâm mua sắm. Thêm vào đó, những tòa nhà cao tầng, hiện đại của các trường thành viên ĐHQG mới hoàn thành và đưa vào sử dụng cũng hãnh diện, sừng sững khoe mình.
Riêng khu KTX đang trong quá trình xây dựng, dự kiến khi hoàn thành sẽ là KTX lớn nhất trên cả nước, với quy mô 60.000 chỗ. Bên cạnh đó, nhiều công trình phụ như bệnh viện quy mô 500 giường, rạp chiếu phim hiện đại, nhà hát, trung tâm thể dục thể thao, bến xe buýt… cũng đang trong giai đoạn triển khai thực hiện. Dự kiến đến năm 2013, diện mạo một khu ĐHQG mới sẽ hình thành.
Quả thật khái niệm “làng đại học” của nhiều năm về trước có lẽ nay phải đổi thành “thành phố đại học”. Số lượng sinh viên đang học tập và sinh hoạt tại đây đã tăng lên gấp bội, cơ sở vật chất cũng mạnh mẽ “vươn mình”. Cái nắng, cái gió giờ đây có phần kém lồng lộng hơn so với trước kia nhưng lại sôi nổi, ríu rít hơn khi chở theo tiếng cười, nhịp sinh hoạt hứng khởi của cả một vùng “đô thị nhỏ” đang vươn vai thức giấc.
MINH THU
(Cựu SV khoa Văn học - Ngôn ngữ,Trường ĐH KHXH-NV TPHCM)