Đi đâu cũng giữ tên làng
Làng Cự Đà có tên Nôm là làng Chảy, theo đơn vị hành chính là thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai. Trong 3 thôn (Khúc Thủy, Khe Tang, Cự Đà) của xã Cự Khê thì Cự Đà là thôn cổ nhất, khoảng 400-500 năm tuổi. Làng được quy hoạch theo kiểu “xương cá” với đường “xương sống” chạy song song sông Nhuệ. Từ chiếc cổng làng rêu phong tỏa ra hàng chục con ngõ nhỏ dẫn vào các xóm.
Nhiều xóm có tên chữ rất đẹp Lễ Nghĩa, Hiếu Đễ… nhưng cũng có xóm được gọi rất dân dã xóm Con Cóc. Trước xóm này, bên bờ sông Nhuệ có trụ đá với một “cụ” Cóc chễm chệ phía trên. Nghe nói trước đây bến sông Nhuệ là nơi buôn bán tấp nập, dân làng Cự Đà dựng 2 cây cột, bên trên đặt cóc đá đội đèn để thuyền bè biết lối cập bến, nay chỉ còn 1 trụ.
Người làng Cự Đà nổi tiếng nhanh nhạy, giỏi kinh doanh. Từ những năm 1930, vài người trong làng Cự Đà đã học được nghề dệt kim, rồi tích góp, lập nên những xưởng dệt lớn có máy dệt chạy bằng điện, sản xuất áo thun và áo len. Những xưởng lớn như Cự Doanh, Cự Chân, Cự Chung, Cự Hải... nổi tiếng một thời, sản phẩm làm ra xuất bán sang tận châu Phi.
Trong đó, cụ Cự Doanh được coi là một trong những vị tổ nghề dệt kim đông xuân ở nước ta, từng có hệ thống cơ sở sản xuất, xưởng dệt may khá quy mô ở phố Hàng Quạt những năm đầu thế kỷ 20 (tiền thân của cơ sở dệt kim Đông Xuân sau này). Không chỉ làm nghề dệt kim, người làng Cự Đà còn rủ nhau ra Hà Nội lập xưởng, làm chủ nhà máy trong nhiều ngành nghề; mở cửa hàng, tiệm buôn và lấy chữ Cự trong tên hiệu như một cách nhớ về quê cha đất tổ.
Tân cựu giao duyên
Không giàu, nhưng yên ả, đó là lý do để Trần Đình Thông vui vẻ ở lại làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên) với nghề đóng giày. Xưởng giày Thông vừa là chủ, vừa là công nhân duy nhất nằm ở một góc “căn biệt thự có cây cầu nối sang nhà bên” mà bất kỳ người làng Cựu nào cũng có thể chỉ cho bạn.
Căn nhà ấy do người ông họ của anh, ông Xã Vinh, nhà buôn gỗ có tiếng xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20, từng xuất hiện trong nhiều bộ phim được khán giả cả nước biết đến, như “Thương nhớ ở ai” hay “Chạy trốn tuổi thanh xuân”… Rất nhiều clip ca nhạc cũng đã lấy bối cảnh làng Cựu và căn nhà ấy.
Biết tôi về làng vì tò mò nguồn gốc danh xưng “làng biệt thự”, Thông cười bảo, người làng Cựu trước kia tháo vát, giỏi buôn bán, lại có nghề may comple, váy đầm, khách sang tấp nập tới may đồ nên nhiều nhà giàu lên nhanh chóng. Ngõ làng lát đá phiến xanh, xóm nào cũng có cổng gỗ kiên cố. Làng có nhiều biệt thự pha trộn giữa kiến trúc Pháp với kiến trúc truyền thống. Tuy nhiên, ngôi biệt thự của dòng họ anh hiện đang xuống cấp nghiêm trọng.
Cây cầu độc đáo nối với nhà bên (nay thuộc về người anh họ của Thông đang bị bỏ hoang) cũng không còn sử dụng được nữa. Biệt thự to nhất làng ngày trước của ông Chu Văn Luận, từng được dùng làm trường học, gọi là Trường Huỳnh Thúc Kháng, nay hoang phế, không có người ở.
Nói về chủ nhân những ngôi nhà đẹp đẽ và… hoang phế, ông Chu Minh Thảo cho biết hầu hết đều ở Hà Nội, một số ở nước ngoài, đều khá giả, nên không có nhu cầu bán nhà. “Thế hệ đầu từ làng ra đi đều đã về cõi, lớp con cháu bây giờ mải làm kinh tế, chưa thể về tu sửa, cứ tạm thời giữ lại đó. Làng chưa được công nhận là làng cổ, hay di sản văn hóa, nên chẳng có chương trình, dự án tu bổ tôn tạo nào “chạm” đến.
Chỉ một vài ngôi nhà hiếm hoi vẫn giữ lại cổng chính và kiến trúc chính, nhưng chủ nhà đã cho xây cổng khác và lát sân để ô tô. Hy vọng làng Cựu rồi đây sẽ được bảo tồn và phát triển nhờ những cư dân có điều kiện kinh tế, có văn hóa và gắn bó với quê hương như thế” - ông Thảo bộc bạch.
Miếng ngon Ước Lễ
Nhắc đến Ước Lễ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai), mọi người nhớ ngay đến nghề làm giò chả, dù nghề may cũng đã từng rất phát triển. Người làng Ước Lễ có câu “Khéo thì thợ may, vụng tay chày cối”, để nói về 2 nghề truyền thống đó của làng. Anh Mạnh, một trong số ít hộ dân Ước Lễ vẫn đang sản xuất giò chả ngay tại quê hương, nói bí quyết làm giò chả là phải chọn được thịt tươi ngon, người làm nghề gọi là thịt “sống”, thêm nước mắm tốt, giã đều tay. Giã xong gói lá chuối luộc thành giò, trộn thêm gia vị, nướng hoặc rán lên thành chả.
Giờ đây, máy xay đã giúp người làm giò chả đỡ đi công đoạn giã mất sức nhất, mặc dù giò sống xay ra không được quánh mượt bằng giã tay. “Ăn nhau ở cái tinh mắt, biết nhìn vào màu thịt lúc xay, giã để gia giảm gia vị đúng lúc, đúng liều lượng và nhất là không được pha phách thêm bột để giảm giá thành”- anh Mạnh nói.
Thế nhưng, làm giò chả ở làng, nói như anh Mạnh, chỉ đủ ăn và tiêu vặt. Để làm giàu, để mang thương hiệu giò chả Ước Lễ đi khắp đất nước, nhiều người làng đã đi lập nghiệp xa, ở những đô thị đông đúc dân cư, thị trường tiêu thụ lớn. Điều đặc biệt, người Ước Lễ khi mở cửa hàng thường lấy tên hiệu có chữ “Hương”, giống như người làng Cự Đà giữ chữ “Cự”, hay người làng Cựu ra phố mở tiệm may giữ chữ “Trạch” vậy.
Sâu thẳm trong lòng những doanh nhân từ làng ra phố, mạch nguồn quê hương vẫn chảy, lặng lẽ và da diết vậy.