Làng chằm nón ngựa mang uy quyền “đất võ” đón bằng di sản Quốc gia

Nghề chằm nón ngựa Phú Gia (hay nón ngựa Gò Găng, tỉnh Bình Định) là một nghệ thuật truyền thống chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử và cộng đồng ở “đất võ, trời văn” Bình Định. 

Làng nghề chằm nón ngựa Phú Gia đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: NGUYỄN GIA
Làng nghề chằm nón ngựa Phú Gia đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: NGUYỄN GIA

Dòng nón ngựa này có “gốc rễ” giao thoa nhiều bản sắc văn hóa Chăm Pa, Đại Việt và từng được nghĩa quân Tây Sơn sử dụng làm nên nhiều chiến công hiển hách vang danh bờ cõi.

Trải qua hơn 300 năm, đến nay, nghề chằm nón ngựa Phú Gia chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, để tiếp tục được cả nước quan tâm kế thừa, bảo tồn và phát triển hơn.

Dòng nón phát triển từ truyền thống giới quý tộc

Ngày 12-9, tại làng nghề truyền thống nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, Bình Định), UBND huyện Phù Cát đã phối hợp Sở VH-TT tỉnh Bình Định tổ chức Lễ đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia”, với sự tham gia của hàng trăm đại biểu, nghệ nhân, người dân và du khách.

DSC00062.JPG
Đông đảo đại biểu, người dân đến Lễ đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia "Nghề chằm nón ngựa Phú Gia"

Tại buổi lễ, ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã lên bục trao Bằng di sản cho các lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Phù Cát và nghệ nhân đại diện làng nghề truyền thống nón ngựa Phú Gia.

DSC00108.JPG
Các lãnh đạo tỉnh Bình Định trao bằng di sản cho huyện Phù Cát

Dịp này, ông Lâm Hải Giang đã ôn lại truyền thống lịch sử và giá trị nghệ thuật độc đáo của nghề chằm nón ngựa Phú Gia.

Xưa kia, nón ngựa này chủ yếu được dùng cho giới quý tộc, quan chức với những hoa văn tinh xảo như: long, lân, quy, phụng… được thêu tỉ mỉ, biểu trưng cho quyền uy và vị thế xã hội.

Đặc biệt, cấu trúc của nón ngựa Phú Gia rất khác biệt so với các nón ngựa thông thường, tạo nên độ bền và thẩm mỹ cho chiếc nón đội nắng đội mưa.

Nhiều chiếc nón ngựa được sử dụng rất bền bỉ, kéo dài 150-200 năm, truyền từ đời này qua đời khác.

Đến nay, nhiều chiếc nón ngựa trên 200 năm vẫn được lưu giữ trong các gia đình nghệ nhân “tiền bối” ở làng Phú Gia.

DSC09929.JPG
Chiếc nón ngựa được lưu giữ hơn 200 năm ở làng nghề Phú Gia
DSC09933.JPG
Được lưu giữ hơn 200 năm, nhưng kết cấu và vật liệu nón ngựa Phú Gia vẫn còn nguyên vẹn

Ngoài ra, nón ngựa Phú Gia còn được gọi là nón ngựa Gò Găng, gắn liền với những thiết chế xã hội, sự nổi trôi thế sự và thân phận con người, cộng đồng từ nhiều giai đoạn lịch sử.

Trước kia, nón ngựa Phú Gia tạo ra và phân cấp cho từng tầng lớp, được thể hiện qua những đường nét, hoa văn hay chụp bạc, đồng, vàng...

Có giai đoạn, nghề chằm nón ngựa đóng góp rất lớn khi trở thành thu nhập chính cho nghệ nhân, người làng và phổ biến rộng rãi ra toàn xã hội.

Cũng có giai đoạn, thợ chằm nón ngựa thường đội những chiếc nón xếp tầng lội bộ hoặc đi đò mang đến chợ đêm Gò Găng để bán cho người dân mọi miền. Từ đây, hình thành nên một nét văn hóa chợ nón ngựa đêm ở Gò Găng…

DSC00070.JPG
Vật liệu chủ đạo làm nón ngựa là lá kè mỡ

Còn theo nghệ nhân nón ngựa Đỗ Văn Lan (74 tuổi, thôn Phú Gia), nón ngựa Phú Gia được làm hoàn toàn thủ công với nhiều công đoạn rất công phu, mỗi chiếc nón làm ra có thể kéo dài cả tháng trời.

Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu và khéo léo của nghệ nhân.

Theo ông Lan, người xưa khi sáng tạo ra nón ngựa Phú Gia sử dụng 3 vật liệu chủ đạo, gồm: lá kè mỡ (loài cây rừng nhỏ sống ở khu vực đèo An Khê), rễ cây dứa và thân cây giang.

DSC00172.JPG
Nghệ nhân nón ngựa OCOP "4 sao" Đỗ Văn Lan chia sẻ tại buổi lễ

“Để làm ra 1 chiếc nón, nghệ nhân thực hiện 10 công đoạn từ tạo nguyên liệu lá kè mỡ đến tạo sườn, thêu thuyền, kết lá, thêu đính hoa văn… Nón có kết cấu đặc biệt được đan 10 lớp với vật liệu lá kè mỡ, rễ dứa, ống giang tạo độ bền của nón”, ông Lan chia sẻ.

Hai yếu tố để nón ngựa Phú Gia trường tồn, phát triển

Ông Lâm Hải Giang chia sẻ thêm, nghề chằm nón ngựa Phú Gia là di sản văn hóa phi vật thể thứ 5 của tỉnh, sau các di sản nổi tiếng khác như Võ cổ truyền, Hát bội, Nghệ thuật Bài chòi và Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn.

“Sự công nhận này không chỉ là niềm tự hào của người dân Phú Gia mà còn khẳng định sức sống mãnh liệt và giá trị bền vững của làng nghề thủ công truyền thống”, ông Giang nhấn mạnh.

DSC00164.JPG
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang

Dịp này, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định nêu nhiều giải pháp, chỉ đạo cụ thể để địa phương và các ngành chức năng tiếp tục phát huy, bảo tồn và quảng bá rộng rãi nghệ thuật chằm nón ngựa Phú Gia đến đông đảo bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là sớm quy hoạch tổng thể làng nghề, nhằm tạo không gian văn hóa truyền thống, đồng thời phát triển làng nghề theo hướng gắn kết với du lịch.

Hai yếu tố để dòng nón ngựa Phú Gia trường tồn, phát triển, theo ông Giang, là văn hóa song song với kinh tế. Ông nói: “Phát triển bền vững nghề chằm nón ngựa Phú Gia không chỉ là bảo tồn một di sản văn hóa, mà còn là xây dựng tương lai kinh tế, văn hóa cho địa phương và đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước”.

DSC00024.JPG
Giới trẻ làng nghề nón ngựa Phú Gia tự hào về sản phẩm làng nghề của tổ tiên mình

Vì vậy, lãnh đạo UBND tỉnh giao chính quyền huyện Phù Cát cùng Sở VH-TT tỉnh phối hợp các sở, ban ngành đề ra được chính sách hiệu quả, thiết thực trong bảo tồn, truyền nghề và đào tạo thế hệ kế cận cho làng nghề; có chính sách tôn vinh, khích lệ các nghệ nhân tiếp tục gắn bó.

DSC09961.JPG
Vẻ đẹp tôn nghiêm và độc đáo của người phụ nữ hiện đại bên chiếc nón ngựa cổ làng Phú Gia

Đặc biệt, cần đẩy mạnh quảng bá, kết nối làng nghề với các công ty lữ hành và đơn vị kinh doanh du lịch.

Hướng tới mục tiêu xây dựng du lịch làng nghề, Bình Định sẽ phát triển các tour du lịch trải nghiệm tại Phú Gia, giúp du khách trong nước và quốc tế không chỉ chiêm ngưỡng sản phẩm nón ngựa mà còn trực tiếp tìm hiểu, trải nghiệm quá trình làm nón.

DSC00121.JPG
z5822844782687_6fda0dfbdaabb0785e7344527d70d686.jpg
Lãnh đạo tỉnh Bình Định tham quan gian hàng, sản phẩm nón ngựa Phú Gia

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, huyện đang tập trung phát triển làng nghề nhằm tạo "sức sống" thiết thực cho các nghệ nhân.

Ngoài ra, nón ngựa Phú Gia hiện cũng đang duy trì được thị trường rộng lớn qua các phiên chợ trong nước hoặc gian hàng du lịch, với gần 1.000 chiếc nón ngựa Phú Gia được xuất đi các tỉnh, thành khắp mọi miền.

Tin cùng chuyên mục