Làng chài cổ nhất Việt Nam

Làng chài cổ nhất Việt Nam

Cái Bèo là một trong những di chỉ khảo cổ được quan tâm nhất trong nhiều năm qua. Với 6 lần khảo sát, đã dần mở cánh cửa di chỉ, để người hôm nay có thể tìm lại ngôi làng chài cổ xưa nhất của Việt Nam, nhìn thấy quá trình người Việt làm chủ vịnh Bắc Bộ như thế nào.

  • Di tích của văn hóa biển
Làng chài cổ nhất Việt Nam ảnh 1

Những hiện vật được phát hiện tại di chỉ Cái Bèo. Ảnh tư liệu

Di chỉ Cái Bèo nằm ở phía Đông Nam đảo Cát Bà, có độ cao trung bình 4m so với mặt biển. Di chỉ này được M.Colani phát hiện và khảo sát lần đầu năm 1938, lúc đó mang tên là Làng Chài.

Tháng 4-1972 Viện Khảo cổ học đã tiến hành đào hai hố thám sát và đặt tên là di chỉ Cái Bèo. Lần khai quật này đã thu được di vật đá và gốm đặc trưng cho văn hóa Hạ Long. Năm 1973 diễn ra cuộc khai quật thứ hai trên diện tích 221 m2.

Địa tầng di chỉ dày 3,5m có ba lớp văn hóa, ngăn cách bởi hai lớp vô sinh. Hai lớp dưới đặc trưng cho thời kỳ đá mới hay tiền Hạ Long, lớp trên cùng thuộc văn hóa Hạ Long. Cuộc khai quật này tìm thấy 2 cái bếp nguyên thủy, thu được 488 hiện vật đá và 14.976 mảnh gốm. Cuộc khai quật còn tìm thấy 105,85 kg xương thú và cá tập trung ở trung tâm di chỉ, nơi có bếp.

Năm 1981 di chỉ được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Hải Phòng tiếp tục khai quật trên diện tích 78m2. Lần này tìm thấy hai bếp lửa, một mộ chôn nằm co của người đàn ông chừng 50 - 60 tuổi, còn cốt sọ. Hiện vật có nhiều chày, bàn nghiền, bàn mài, công cụ ghè đẽo, mảnh phế liệu. Riêng đồ gốm có 5.261 mảnh.

Năm 1986, di chỉ được khai quật với diện tích gần 90m2, tầng văn hóa dày 2,2m. Kết quả thu được 100 công cụ ghè đẽo (chiếm 56.7%),  66 công cụ không qua chế tác (37%), 11.300 mảnh gốm.

Theo các tác giả Bùi Vinh và Nguyễn Xuân Ngọc (Tạp chí Khảo cổ học số 2/ 2004): “Cư dân Cái Bèo là những người định cư ven biển, theo kiểu một làng chài, sử dụng lưới vó, vận hành bằng thuyền mảng, đánh bắt xa bờ lẫn gần bờ, gia công thực phẩm tại nơi cư trú. Mô thức vận hành đó khác căn bản với những cư dân cùng bình tuyến Trung kỳ Đá Mới ở Việt Nam như Đa Bút, Quỳnh Văn”. Theo nhà nghiên cứu Hà Hữu Nga, di chỉ Cái Bèo là một trong những di chỉ khảo cổ quan trọng nhất trong khu vực ven biển hải đảo của miền Đông Bắc Việt Nam.

Cuộc khai quật mới nhất vừa diễn ra vào tháng 12-2006 – 1-2007, hiện đang chỉnh lý tư liệu.  Đây là cuộc khai quật “khẩn” vì hiện trên mặt di chỉ Cái Bèo đã xuất hiện khu dân cư và một số công ty, là “một trong những tác nhân cơ bản xâm hại di tích và phá hủy cảnh quan môi trường di tích Cái Bèo”.

Lần khai quật này cũng tìm thấy một cái bếp rộng 50cm, than chất thành đống dày 10cm. Ngoài ra còn tìm thấy hai chiếc nồi gốm nguyên. Trong khu vực bếp còn có các di vật đầu cá, vỏ hàu, viên cuội, hòn ghè, hòn nghiền, những tảng đá vôi có ám khói, được đánh giá “đích thực là bếp nguyên thủy”. Nhóm khảo cổ cũng đã phát hiện nhiều hiện vật đá như bàn mài, chày, hòn kê, gốm cứng, đặc trưng cho giai đoạn tiền Hạ Long.

  • Xây bảo tàng cho làng chài cổ?

Hiện các cơ quan khảo cổ quyết định dừng lại, không khai quật tiếp nhằm tìm cách giữ lại các địa tầng văn hóa còn nguyên thủy rất quý hiếm, để có thể làm bảo tàng ngoài trời.

Theo đánh giá của Viện Khảo cổ: “Cái Bèo là một làng chài biển cổ có quy mô lớn nhất hiện biết ở Việt Nam. Trước người Cái Bèo là cư dân văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn chuyên khai thác hệ động vật và thực vật nước ngọt trong các khối đá vôi sâu trong lục địa. Những cư dân sống trong hang động trên đảo Cát Bà và vùng biển Hạ Long cũng vậy vì lúc đó biển còn ở rất xa. Cùng bình tuyến với Cát Bèo có nhóm cư dân Đa Bút, song giai đoạn đầu họ khai thác hến nước ngọt, còn khai thác biển thì mới cách đây 5.000 năm. Cư dân văn hóa Quỳnh Văn khai thác sò và điệp biển là chính, di chỉ cổ nhất khoảng 6.000 năm.

Trong khi đó, người Cái Bèo khoảng 7.000 năm trước đã đánh bắt cá biển và bắt sò, hàu biển và tiếp tục cho đến 4.500 năm cách ngày nay. Phạm vi phân bố làng chài rất rộng, khoảng 18.000 m2. Và như vậy, Cái Bèo vẫn là một đơn vị cư trú, hay một làng chài cổ có quy mô lớn nhất”.

Phát hiện làng chài cổ Cái Bèo cho thấy người Việt Nam đã sớm có mặt trên biển Đông và bắt đầu nghề đánh bắt hải sản một cách quy mô. Một mặt, cư dân Cái Bèo vẫn tiếp tục phát triển văn hóa truyền thống Hòa Bình - Bắc Sơn, mặt khác, những người dân ở đây đã hướng ra chinh phục biển cả. Theo ông Đỗ Xuân Trung, chuyên viên khảo cổ của Bảo tàng Hải Phòng, các cơ quan khoa học đang khẩn trương làm thủ tục hồ sơ đề xuất xếp hạng cấp quốc gia di chỉ Cái Bèo.

Ngoài ra cũng đề xuất phương án bảo vệ trưng bày phát huy giá trị lịch sử của di chỉ. Một trong những phương án được thành phố Hải Phòng nghiên cứu đó là lập một bảo tàng ngoài trời với quy mô phù hợp.

Cát Bà hiện là điểm đảo thu hút khách du lịch. Năm 2006 Cát Bà đã đón 500.000 khách, trong đó có gần 20% là khách quốc tế. Việc xây dựng bảo tàng tại Cái Bèo, cửa ngõ của Cát Bà, hy vọng sẽ mở ra những tour du lịch văn hóa thú vị và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Tuy nhiên, theo giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ninh thì cái khó nhất vẫn là kinh phí đầu tư cho dự án này. Nếu dự án được xã hội hóa, với nhiều nguồn lực đầu tư, có thể nó sẽ được triển khai sớm hơn.

Nguyên Anh

Tin cùng chuyên mục