Ngọt lành bưởi cù lao
Xã cù lao Bạch Đằng có khoảng 400ha bưởi, với nhiều vườn cây sinh trưởng tốt, trái xum xuê trĩu nặng cành nối tiếp nhau dệt một màu xanh ngắt. Nhà nào cũng trồng bưởi từ 1.000-2.000m2 với đủ loại bưởi như da xanh, đường lá cam, bưởi ổi… hàng năm cho thu nhập tiền tỷ. Chúng tôi vào vườn bưởi 2.000m2 trồng đã 6 năm của gia đình ông Nguyễn Minh Hùng (ấp Tân Trạch), mỗi năm thu hoạch một vụ vào dịp tết.
Chủ vườn cho biết, đất phù sa ở cù lao Bạch Đằng được dòng sông Đồng Nai bồi lắng, màu mỡ, quanh năm không lo thiếu nước tưới, thuận lợi cho trồng bưởi và đặc trưng nhất vẫn là bưởi đường lá cam. Ông Hùng nói: “Gia đình có 4 đời trồng bưởi và chỉ chọn bưởi đường lá cam, tán xòe, cao chừng 3m, cành to khỏe, năng suất cao, mỗi cây bưởi cho 100 trái/vụ, với 500 cây bưởi cho thu nhập hơn 400 triệu đồng/vụ/năm”. Để vườn bưởi cho năng suất cao vào dịp tết, ông Hùng bón phân hữu cơ, dùng thuốc sinh học thấm vào các miếng vải buộc xung quanh vườn, trên thân cây bưởi phòng sâu ruồi, bọ xít đục trái để bưởi khi hái xuống bán ra thị trường sạch bóng, không tì vết.
Anh Nguyễn Siêu (ấp Tân Trạch) có 1.000m2 bưởi đường lá cam, thu hoạch khoảng 200 triệu đồng/vụ/năm, cho biết, bưởi đường lá cam khi thu hoạch chừng 1kg/trái, vỏ mỏng, tép bưởi bó chặt bóc không dính, khi ăn có vị ngọt thanh, thơm mát, không bị the môi, đắng miệng và bảo quản lâu đường sẽ cô lại trong tép, tăng vị ngọt. Ngoài việc dùng các chế phẩm sinh học để ngăn ngừa sâu bệnh, anh Siêu làm đường dây dẫn nước từ sông Đồng Nai để tưới cho vườn bưởi, 2-3 ngày tưới 1 lần, giữ độ ẩm cho đất, giúp bộ rễ khỏe mạnh giúp cây hấp thụ dinh dưỡng, sinh trưởng tốt.
Không lo đầu ra
Hiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp gây khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản nhưng người trồng bưởi ở cù lao Bạch Đằng không quá bận tâm, vì bưởi được trồng theo hướng hữu cơ, ưu tiên thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh nên không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trái bưởi ngon và an toàn cho sức khỏe. Các nhà vườn bán mỗi thùng 12 trái được dán nhãn thương hiệu, được giá mới bán, ổn định từ 800.000-900.000 đồng/thùng, ưu tiên những mối truyền thống nên không lo đầu ra.
Một lý do khác khiến người trồng bưởi Bạch Đằng tự tin về vụ bưởi tết trúng đậm là Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH-CN đã công nhận nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng” với 5 loại bưởi là đường lá cam, da xanh, bưởi ổi, bưởi hồng, bưởi da láng do Hội nông dân xã sở hữu. 50.000 tem nhãn hiệu được cấp cho các hộ trồng bưởi làm tăng giá trị sản phẩm được nhiều đối tác ký hợp đồng mua bán và giá ổn định, không bị các tiểu thương ép giá, giúp nông dân tăng thu nhập phát triển kinh tế. Hiện bưởi tại một số vườn đã được đặt mua, đến 27-28 Tết Âm lịch các mối quen sẽ vào tận vườn gom hết, chỉ lo tết không có bưởi để bán. Ngoài ra, những trái bưởi bị rớt khi hái, bưởi bị sâu đục, không bóng đẹp được nhà vườn hái xuống, lấy tép làm nước cốt lên men, đóng chai bán giá 160.000 đồng/lít cũng rất hút hàng vào dịp tết.
Trước đây, bưởi thường rơi vào cảnh được mùa rớt giá do giao thông đi lại bằng phà nhưng từ năm 2020 khi cây cầu Bạch Đằng bắc qua sông Đồng Nai nối cù lao Bạch Đằng với thị xã Tân Uyên được khánh thành đã tạo thuận lợi cho vận chuyển nông sản (trong đó có bưởi) đến thị trường TPHCM, các tỉnh Đông Nam bộ. Tỉnh Bình Dương cũng triển khai thí điểm xây dựng Làng thông minh tại xã Bạch Đằng, mở lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng 2 năm một lần, giúp người trồng bưởi gắn bó với nghề truyền thống, hướng tới phát triển bền vững kết hợp du lịch sinh thái. |