Lợi ích thiết thực
Ghi nhận những giá trị linh hoạt và bền vững của việc đạp xe, LHQ khuyến khích các nước chú trọng tới vai trò của xe đạp đối với các chính sách và chiến lược phát triển trong nước, trong khu vực và trên thế giới; tăng cường an toàn giao thông đường bộ, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bền vững với trọng tâm là người đi bộ và người đi xe đạp. Để hướng tới các mục tiêu giảm thiểu khí thải, nâng cao chất lượng không khí, các nước cần áp dụng các chính sách và biện pháp kêu gọi và ủng hộ việc người dân sử dụng xe đạp trong cuộc sống hàng ngày và mở rộng phong trào thúc đẩy “văn hóa đạp xe”.
Thực tế cho thấy, xe đạp là công cụ hỗ trợ cho sự phát triển của các ngành giao thông, giáo dục và y tế. Ở một số khu vực kém phát triển, xe đạp là phương tiện thiết yếu cho cuộc sống của những người không có điều kiện sở hữu phương tiện giao thông cơ giới. Đối với những nơi chưa có cơ sở hạ tầng để phục vụ cho nhu cầu thể dục- thể thao, đạp xe là một cách giúp người dân có thể rèn luyện sức khỏe và sự linh hoạt. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thường xuyên đạp xe có thể làm giảm nguy cơ các bệnh tim mạch, tai biến, tiểu đường hoặc ung thư.
Bên cạnh đó, việc sử dụng xe đạp thể hiện rõ rệt các xu hướng “giao thông sạch”, gửi đi các thông điệp về tiêu thụ và sản xuất bền vững, góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường và khí hậu. Chọn xe đạp làm phương tiện còn được xem là lựa chọn cần thiết để đưa các thành phố trở lại trạng thái hoạt động bình thường trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19.
Cung không đủ cầu
Từ giữa năm ngoái đến nay, thị trường xe đạp toàn cầu đã có nhiều chuyển biến bất ngờ sau thời gian nhường chỗ cho nhiều phương tiện giao thông khác. Từ Âu, Á, Mỹ, xe đạp đã trở thành một trong những phương tiện được người dân chọn lựa khi di chuyển hàng ngày thay cho các phương tiện giao thông khác, do chi phí rẻ, an toàn và tốt cho sức khỏe.
Tại châu Âu, trong khi nhiều ngành sản xuất ở Pháp lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng thì ngành công nghiệp xe đạp lại hưởng lợi lớn do cung không đủ cầu. Xe đạp trợ điện và xe đạp điện dù giá cao hơn xe thường rất nhiều nhưng bán rất chạy vì người mua được chính quyền địa phương hỗ trợ 100-500 EUR (121-600 USD)/xe. Do số xe đạp tham gia lưu thông tăng nên Chính phủ Pháp nhanh chóng quy hoạch thêm những tuyến đường, làn đường tạm thời dành cho người đi xe đạp.
Thủ đô London (Anh) còn phát động một chương trình có tên “Không gian đường phố”. Chương trình này tăng cường các làn đường dành cho xe đạp và mở rộng lối đi cho người đi bộ nhằm khuyến khích người dân bỏ ô tô, chuyển sang đi xe đạp hoặc đi bộ. Một số địa phương ở Đức, Italy, đã mở làn đường dành cho xe đạp để di chuyển an toàn, tránh giao thông công cộng và tắc đường khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Tại Mỹ, ngành kinh doanh xe đạp đang phát triển cả ở những thành phố vốn được thống trị bởi ôtô như Houston, New York và Los Angeles. Một số thành phố lớn tại Mỹ đã phân luồng lại đường phố để dành nhiều không gian hơn cho người đi xe đạp.
Ở châu Á, Tokyo giữ vị trí hàng đầu trong số các thành phố thân thiện với xe đạp do nhiều gia đình không đủ chỗ để ô tô, nên người dân chuộng đạp xe đi làm hàng ngày. Vỉa hè bằng phẳng, hầm đậu xe ngầm tạo điều kiện lý tưởng cho những người đi xe đạp ở mọi lứa tuổi. Tại Singapore, các cửa hàng bán xe đạp trong mùa dịch gần như hết hàng dù giá đột ngột tăng cao. Tại Manila (Philippines), phương tiện công cộng đã phải tạm dừng hoạt động tại một số khu vực đang bị cách ly nên xe đạp là lựa chọn tối ưu. Thậm chí, chính phủ nước này đã quyết định thiết lập thêm làn đường dành cho xe đạp.