Giữ tiếng đàn truyền thống
Tại một lớp học đàn tranh cuối con hẻm nhỏ ở quận Tân Bình, chị Mỹ Dung (41 tuổi, nhân viên văn phòng) bắt đầu những ngón đàn tranh đầu tiên sau 35 năm mơ ước. Chị Dung kể: “Lúc 6 tuổi ở Củ Chi, gặp một chị trong xóm chơi đàn tranh, tôi nghe là thích liền. Cứ nghĩ đây là bộ môn dành cho... nhà giàu, tôi chỉ đứng xa nhìn thôi. Lớn lên, tôi vẫn nuôi khát khao đó, vẫn thường mở nhạc đàn tranh nghe khi rảnh rỗi”. Vì thế, khi ngoài 40 tuổi, cuộc sống tạm ổn định, chị Dung quyết tâm phải một lần trong đời được ngồi bên cây đàn mình yêu thích, và chị đến trung tâm học nhạc.
Trong khi đó, anh Bảo Kỳ (30 tuổi, du học sinh Pháp) đến với đàn bầu không chỉ vì muốn chia sẻ những giai điệu rất Việt Nam với bạn bè thế giới mà còn vì nỗi lo “mất ký ức tập thể”. Khi nhận thấy bạn bè thế hệ mình ít ai biết đến cây đàn tranh, đàn bầu, thậm chí không tiếp cận được các clip trình diễn nhạc cổ truyền, anh Kỳ trăn trở: “Nhiều người trẻ trong chúng ta chưa biết thưởng thức những gì rất hay vốn là của chúng ta nữa, tôi thấy thật buồn”. Thế nhưng, đến lớp học đàn bầu, thấy nhiều bạn trẻ ngày đi làm tối về lên lớp tập đàn, nhiều cô bác lớn tuổi và các em học sinh phổ thông cũng hào hứng và chăm chỉ tập luyện, anh rất hào hứng. Đặc biệt yêu thích âm thanh của đàn bầu, nhận thấy “âm nhạc là ngôn ngữ không cần phiên dịch”, tuần 3 buổi, anh Kỳ đều đặn đến lớp học những kỹ thuật khó để sắp tới quay lại Pháp, anh sẽ biểu diễn các bài bản Đêm đông, Nam Ai và Nam Xuân.
Tìm cách “đi đường dài” với đàn dân tộc
Với thâm niên 10 năm dạy đàn tranh, chị Đặng Thị Thúy Vy (cử nhân Nhạc viện và Sư phạm Nghệ thuật, Trường Đại học Sài Gòn, ngụ quận Tân Bình) cho rằng, đàn cổ truyền là bộ môn khó chinh phục, bởi kỹ thuật chơi và kỹ năng kèm theo như chỉnh dây, xử lý các vấn đề trên đàn. Để theo đuổi, người học cần nhiều đam mê và thời gian luyện tập.
Với các học viên nước ngoài học online lại còn khó khăn hơn: âm thanh truyền qua hệ thống máy tính không chuẩn, giáo viên không thể trực tiếp chỉnh kỹ thuật ngón tay, không có nơi sửa chữa nhạc cụ và phí vận chuyển đàn quá lớn (dao động trên 15 triệu đồng, tùy quốc gia)… “Với các học viên mới tiếp xúc, chưa chắc hợp với bộ môn này không, tôi cho mượn đàn luyện thử miễn phí trong 1 tháng; với các em sinh viên, để tránh tạo áp lực kinh phí, tôi tổ chức lớp theo nhóm 3-6 người với học phí mềm, có thể trả học phí từng ngày. Còn với học viên ở nước ngoài, tôi tìm cách diễn đạt dễ hiểu để học viên cảm nhận được, động viên họ kiên trì luyện tập cho đến khi đàn nhuyễn 1 bài, từ đó tạo cảm hứng để học viên chinh phục những bước tiếp theo”, chị Thúy Vy chia sẻ.
Còn với chị Trần Ngọc Tú (cử nhân Nhạc viện TPHCM, 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, ngụ quận 3), nắm bắt được rào cản lớn nhất là học viên dù rất muốn tìm hiểu nhưng tự nghĩ mình không có năng khiếu, không biết nhạc lý, khó tìm được giáo viên tâm lý, phù hợp nên chị đã tạo một không gian đầy đủ các loại nhạc cụ dân tộc, học viên có thể tiếp xúc thử, cảm thấy thích loại đàn nào thì bắt đầu học đàn đó. Với cách dạy linh động, theo tâm lý học viên, lớp cô Tú có rất nhiều học trò nhỏ tuổi, mỗi em học từ 2-6 loại đàn cùng lúc rất thoải mái. Cuối tuần, học viên cùng họp mặt hòa tấu các bài đã tập trong tuần. Cô Tú nhận định: “Âm nhạc dân tộc tuy không thu hút được quá nhiều người, nhưng khi những tiếng đàn này chạm được vào trái tim ai, nó sẽ trở thành một phần rất quan trọng trong đời sống tinh thần của họ”.
Với những người yêu thích nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, một giáo viên âm nhạc nhiều năm kinh nghiệm chia sẻ, muốn bắt đầu học đàn cổ truyền, bạn nên thử với đàn tranh và đàn T’rưng - là 2 loại đàn dễ tiếp cận, dễ chơi nhất. Khó chơi hơn là đàn kìm (tên gọi khác là đàn nguyệt) và đàn tứ. Chơi sáo là một lựa chọn gọn nhẹ nhưng cần nhiều sức khỏe. Muốn thử thách với loại đàn cổ truyền khó chơi nhất, bạn có thể thử sức với đàn bầu (độc huyền cầm) và đàn cò (đàn nhị). Hai loại đàn này cần rất nhiều kiên trì và đam mê.