Giữ nét văn hóa xưa
Nếu là người dân Hà Nội thì chuyện xin chữ đầu năm có thể được coi là một nét văn hóa đặc trưng. Năm nay, trong những ngày tết, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hội chữ xuân Kỷ Hợi sẽ diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc. Tại đây, người dân và du khách sẽ có dịp tìm hiểu về nghệ thuật thư pháp, xin chữ của 60 ông đồ đã qua kỳ khảo tuyển trình độ của Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
30 bức thư pháp chữ Hán Nôm và chữ Quốc ngữ với chủ đề “Văn hiến” sẽ được trưng bày. Người dân cũng có thể tham gia trải nghiệm và tìm hiểu các quy trình làm giấy dó, 3 dòng tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ và Kim Hoàng…
Ngoài các nghi lễ được tái hiện long trọng, chương trình còn lồng ghép nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật giữa ca - nhạc Huế, trò chơi cung đình, trình diễn thư pháp và thi gói bánh chưng, bánh tét.
Những chiếc bánh chưng, bánh tét đẹp nhất đã được cung tiến dâng các vị hoàng đế ở Thế Miếu - Đại nội Huế. Toàn bộ phần bánh còn lại sau cuộc thi được tặng cho người lao động khó khăn và các cháu nhỏ ở các trung tâm nuôi dạy trẻ.
Năm nay, Bảo tàng Văn hóa Huế mở cửa phòng trưng bày bánh mứt tết Huế, giới thiệu đến khách tham quan 13 loại bánh và 14 loại mứt truyền thống của Huế được dọn mời trong dịp tết; các nguyên liệu, dụng cụ và quy trình chế biến một số loại bánh, mứt.
Tại TP Hội An, không khí tết xưa tràn ngập khắp phố cổ, đặc biệt trong chương trình Hội Tết Nguyên đán, đoàn rước “Sắc bùa chúc xuân” diễu hành khắp các tuyến đường trong khu phố cổ để mang may mắn đến cho mọi người.
Cũng trong hội tết, TP Hội An tổ chức chương trình “Giỗ Tổ nghề mộc” và “Hội làng Kim Bồng”, tái hiện không gian làng nghề địa phương, các hoạt động trình diễn nghề như chạm trổ, đóng sửa tàu thuyền, dệt chiếu, đan thúng… và chương trình ẩm thực chợ quê, hội hô hát bài chòi, đua ghe đảo thủy đầu xuân.
Đặc sắc truyền hình
Năm nay, trên sóng truyền hình cả nước, nhiều chương trình truyền hình đặc sắc sẽ lên sóng dịp tết. Chiều cuối năm phát sóng lúc 17 giờ ngày 4-2 (30 Tết) lựa chọn chữ Phúc làm ý tưởng xuyên suốt.
Chương trình như một bức tranh đa sắc màu, hội tụ tổng thể nhiều loại hình nghệ thuật, những giá trị văn hóa kiến trúc, giá trị văn hóa phi vật thể. Chúng ta sẽ tự hào hơn về văn hóa Việt Nam.
Trong vòng 120 phút, xoay quanh 3 trụ cột văn hóa: nhà, làng, nước - chương trình không chỉ tái hiện các hoạt động văn hóa đặc trưng, gợi nhớ đến không gian những ngày cận kề năm mới, mà còn là nơi gặp gỡ của nhiều nhân vật nổi tiếng, nhà khoa học, chuyên gia văn hóa. Phát sóng vào 22 giờ 30, 30 Tết trên VTV, Tết nghĩa là hy vọng sẽ tiếp tục chuyên chở những tình cảm tốt đẹp, thiêng liêng mà mỗi người Việt muốn dành cho nhau.
Cùng với Táo quân, Gala Cười trong nhiều năm qua đã trở thành chương trình thương hiệu của VTV, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Đã thành thông lệ, sau một năm làm việc căng thẳng, mọi người sẽ có dịp cùng quây quần bên gia đình, người thân để thưởng thức những tiểu phẩm hài giải trí nhưng chứa đựng những bài học thâm thúy, sâu sắc.
Vẫn những gương mặt quen thuộc như nghệ sĩ Xuân Bắc, Tự Long, Quang Thắng, Vân Dung, Hoàng Sơn, Xuân Nghị… nhưng họ sẽ kể những câu chuyện mới, những tiểu phẩm mới với những tình huống tạo nên tiếng cười rộn ràng, sảng khoái. Chương trình phát sóng trên VTV3 ngày 6-2 (mùng 2 Tết).
Gala HTV Hương xuân 2019 với sự tham gia của 150 nghệ sĩ ở các lĩnh vực sẽ phát sóng tập đầu tiên trên 2 kênh HTV7 và HTV9 lúc 0 giờ 15 ngày mùng 1 Tết. Các tập tiếp theo lên sóng lúc 20 giờ 45 trên HTV9. Loạt chương trình HTV giải trí xuân với nhiều chủ đề khác nhau: Mãi mãi thanh xuân (19 giờ mùng 1 Tết, HTV7), Thiên đường ẩm thực (16 giờ 15 mùng 3 Tết, HTV9)… cũng là lựa chọn hấp dẫn.
Đặc biệt, chương trình Bản sắc phương Nam được dàn dựng thành một câu chuyện kể về cuộc hành trình khám phá nét văn hóa độc đáo của người Nam bộ nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.
Chương trình giới thiệu những tác phẩm âm nhạc đậm dấu ấn dân tộc như: Việt Nam tươi đẹp, Vị quê nhà, Tôi yêu áo dài Việt Nam… Chương trình phát sóng lúc 8 giờ 40 ngày 7-2 (mùng 3 Tết) trên kênh HTV9.
Tưng bừng lễ hội
Tại Hà Nội, TPHCM và nhiều thành phố lớn khác, trong đêm giao thừa sẽ có màn bắn pháo hoa. Bên cạnh đó, người dân thủ đô được thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc Tết là hy vọng diễn ra tại tòa nhà Bưu điện Hà Nội; chương trình Chào đón Tết Kỷ Hợi vào lúc 22 giờ tại quảng trường Cách Mạng Tháng Tám (Nhà hát Lớn Hà Nội), khu vực hồ Văn Quán, trước sân vận động quốc gia Mỹ Đình, thị xã Sơn Tây, khu vực vườn hoa Lạc Long Quân…
Để tạo điều kiện cho người dân và du khách vui chơi dịp tết, nhiều địa điểm di tích của Hà Nội sẽ mở cửa đón khách ngay trong đêm giao thừa như đền Ngọc Sơn, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám... Riêng đền Ngọc Sơn sẽ mở cửa miễn phí vào ngày cuối cùng của năm Mậu Tuất và ngày mùng 1, mùng 2 Tết Kỷ Hợi. Sự kiện Chào xuân 2019 tại Bảo tàng Dân tộc học sẽ được tổ chức vào ngày 9 và 10-2 trong khuôn viên Bảo tàng. Đây chắc chắn sẽ là địa điểm thú vị và bổ ích mà phụ huynh có thể đưa con trẻ đến vui chơi, tìm hiểu thêm về văn hóa dân tộc trong dịp đầu năm 2019.
Người dân tại TPHCM sẽ chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa tầm cao tại khu vực hầm vượt sông Sài Gòn và 5 điểm tầm thấp tại Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11), Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc (quận 9), huyện Cần Giờ, địa đạo Củ Chi, Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Các tuyến đường trung tâm: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Nguyễn Thị Minh Khai, Đồng Khởi, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Huệ… đều được trang trí đèn, ánh sáng nghệ thuật đẹp mắt.
Trong 3 ngày tết, người dân TPHCM và du khách có thể đến Công viên văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch Suối Tiên vui chơi cùng các công trình, hoạt động giải trí được đầu tư hoành tráng: “Con đường mây” là lối dẫn vào vườn hoa Nam Tú Thượng Uyển, được thiết kế với những cụm mây trắng phủ kín lối đi; “Cầu tàng hình” được thiết kế bằng chất liệu trong suốt và chống trượt, dài 44m, nằm ẩn dưới mặt nước hồ Đầm Sen... Còn tại Suối Tiên, “Kỳ hoa thượng uyển cung” với tổng diện tích 18.000m2, được thiết kế và xây dựng như một thiên đường quy tụ hàng trăm loài kỳ hoa dị thảo đa dạng đến từ khắp nơi.
Tại TP Đà Nẵng, trong đêm giao thừa, ở Công viên bờ Đông cầu Rồng sẽ diễn ra chương trình đặc biệt “Mừng Đảng, đón Xuân Kỷ Hợi 2019”. Pháo hoa bắn tại 3 điểm: trước Trung tâm hành chính quận Liên Chiểu, khu Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang và trên cầu Nguyễn Văn Trỗi.
* Theo thông lệ, vào tối giao thừa, người dân cả nước lại cùng chờ đón chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân trên sóng VTV, với hàng loạt những vấn đề nổi cộm trong năm được đưa lên sân khấu dưới góc nhìn hài hước và chua cay. Theo ê kíp thực hiện, Táo quân 2019 cũng sẽ lấy chất liệu từ cuộc sống trong suốt một năm. Trong vô vàn sự kiện xảy ra trong năm, việc lọc ra những sự kiện nhức nhối nhất, ấn tượng nhất, gây tranh cãi nhất, hài hước nhất mà ai cũng biết để đưa vào kịch bản Táo quân không phải là chuyện đơn giản. Song dưới góc nhìn của nghệ sĩ, một lần nữa khán giả sẽ có cái nhìn khác về những vụ việc gây ồn ào. Trong khi đó, trên sóng HTV, được mong đợi không kém là Táo 2019: Sắc màu táo quân (20 giờ ngày 4-2, tức 30 Tết, HTV9) với sự tham gia của NSƯT Trịnh Kim Chi, NSƯT Lê Tứ, Hiếu Hiền, Hữu Nghĩa, Cát Tường… Trên sóng THVL, cùng giờ là chương trình Táo Xuân Kỷ Hợi đặt ra nhiều vấn đề thời sự nóng hổi trong năm qua với khá nhiều người đẹp tham gia thi nhan sắc. * Trên sóng truyền hình, nhiều bộ phim cũng sẽ ra mắt trong dịp này. 4 tập phim Xin chào người lạ ơi (đạo diễn Trịnh Lê Phong) là câu chuyện xúc động về tình cảm mẹ con, tình cảm của những ông bà lúc tuổi đã xế chiếu… Bộ phim phát sóng trên VTV1 lúc 21 giờ 40 từ mùng 1 đến mùng 4 Tết. Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho ra mắt cùng lúc 2 phim truyền hình Bến bờ yêu thương và Vương tơ do các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất theo đặt hàng. Phim được phát sóng từ mùng 1 đến mùng 5 Tết trên kênh Truyền hình Văn hóa du lịch (Vietnam Journey). Trên sóng HTV, phát sóng sớm nhất là 8 tập Cô Thắm về làng 4 (20 giờ thứ hai đến thứ tư hàng tuần, từ ngày 15-1 trên HTV2 - Vie Channel). Từ ngày 30-1, lúc 20 giờ 35 thứ tư và 20 giờ 25 thứ sáu hàng tuần là Ngũ hợi tấn hỷ; lúc 13 giờ từ ngày mùng 1 Tết là dự án Tân xuân đón tân lang trên kênh HTV7. Trên sóng HTV9, lúc 22 giờ mùng 1 Tết khởi chiếu phim Chàng rể tuổi Hợi. Sân khấu kịch nói tại TPHCM, từ mùng 1 đến mùng 10 Tết, các sân khấu: Thế giới trẻ, Hồng Vân (Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận và Superbowl), IDECAF, Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh sáng đèn các vở: Người vô hình (tác giả, đạo diễn Bùi Quốc Bảo, Thế giới trẻ); Tắt đèn là chạy (tác giả Thái Sơn, đạo diễn NSND Hồng Vân, sân khấu kịch Hồng Vân); Cái đẹp đè bẹp cái nết (đạo diễn Vũ Minh, IDECAF)… |