Với chủ đề năm 2020 là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với đồng chí Huỳnh Thanh Nhân, Thành ủy viên, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, xung quanh chủ đề này.
PV: Từ nay đến cuối năm 2020, ngành VHNT TP có những hoạt động gì nổi bật để hưởng ứng năm chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị” của TPHCM, thưa đồng chí?
Đồng chí HUỲNH THANH NHÂN: Trên lĩnh vực VHNT, có một số hoạt động trọng tâm như cuộc vận động sáng tác tác phẩm âm nhạc và sân khấu kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và chào mừng Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI. Bên cạnh đó, các hoạt động nghệ thuật gắn với phát triển du lịch, biểu diễn nghệ thuật đường phố cũng góp phần tạo nên khí thế sôi nổi cho hoạt động VHNT trên địa bàn TP. Sở VH-TT đã xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình “Đối thoại văn hóa năm 2020” với chủ đề “Giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng TPHCM - Thành phố văn hóa” trình UBND TP, với mục đích lắng nghe những góp ý từ chuyên gia, các nhà khoa học để định hình các giải pháp phát huy giá trị văn hóa của TP.
Các hoạt động văn hóa cơ sở sẽ bao gồm: Tổ chức ngày hội văn hóa đọc tại các quận, huyện; xây dựng mô hình không gian văn hóa đọc; nâng cao hiệu quả hoạt động các thư viện, đường sách đáp ứng nhu cầu học tập, kết hợp với ứng dụng phát triển của khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, phát huy hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tổ chức tổng kết 20 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; hoàn thành đề án Chiến lược phát triển ngành văn hóa TPHCM đến năm 2030.
Muốn đẩy mạnh hoạt động văn hóa thì phải có các thiết chế văn hóa, nhất là ở cơ sở. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa ở TPHCM hiện nay còn điều gì bất cập, thưa đồng chí?
Nhìn chung, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn TP đã định hình và hoạt động khá ổn định. Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động, nhất là các hoạt động xây dựng thiết chế văn hóa tại cơ sở vẫn còn những hạn chế. Trong công tác quy hoạch, do TPHCM là nơi tập trung số lượng dân cư đông nhất cả nước nên quỹ đất công ở các quận huyện rất khan hiếm.
Nguồn kinh phí hỗ trợ cho các thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là thiết chế cấp phường xã vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động. Việc thực hiện xã hội hóa các hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở vẫn còn bất cập do chưa có cơ chế cụ thể. Nhân sự tổ chức các hoạt động tại các thiết chế văn hóa cấp phường xã còn thiếu và yếu, cần có sự quan tâm hơn. Để giải quyết một số vấn đề, thúc đẩy hoạt động các thiết chế văn hóa cấp phường xã, sở đã trình UBND TP Quy chế tổ chức và hoạt động trung tâm văn hóa phường xã, thị trấn.
Theo đồng chí, TPHCM cần phải làm gì để nâng cao ý thức trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trong tương lai?
Việc nâng cao ý thức trong xây dựng nếp sống văn hóa, lối sống văn minh đô thị là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Sở VH-TT đã tham mưu UBND TP ban hành Quyết định số 1280/QĐ-UBND ngày 14-4-2020 về các Tiêu chuẩn văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2020 - 2025. Đây là tiền đề để đánh giá hiệu quả xây dựng các danh hiệu văn hóa trên địa bàn TP gắn với thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19-10-2018 của Thành ủy về cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.
Chúng tôi cũng đã biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền văn hóa ứng xử trong cộng đồng nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa về văn hóa ứng xử với các giá trị, chuẩn mực, khuôn mẫu đạo đức chung trong cộng đồng; nâng cao, nhân rộng các hình thức sinh hoạt, rèn luyện tại cộng đồng để tạo lập những môi trường lành mạnh trong thực hành đạo đức, ứng xử chuẩn mực; đẩy mạnh vai trò, phát huy thế mạnh của các thiết chế văn hóa-xã hội, các sinh hoạt văn hóa làm gia tăng tính gắn kết cộng đồng, điều chỉnh các hành vi ứng xử của các thành viên trong cộng đồng. Nâng cao nhận thức của người dân về giao tiếp-ứng xử, ý thức chấp hành, đẩy lùi những hành vi ứng xử không lành mạnh; giới thiệu và lan tỏa những hành vi văn hóa ứng xử tốt đẹp trong xã hội góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, lối sống văn minh đô thị của cộng đồng dân cư.
Sở VH-TT TPHCM phối hợp, đề xuất Viện Nghiên cứu và phát triển TPHCM có những đề tài nghiên cứu khoa học để triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao giao tiếp ứng xử trong cộng đồng, xây dựng lối sống văn hóa, nếp sống văn minh đô thị trong từng cơ quan, đơn vị và cộng đồng khu dân cư.
Do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều nhà hát, sân khấu rơi vào tình cảnh khó khăn, đặc biệt là các đơn vị xã hội hóa. Ngành văn hóa nghệ thuật TPHCM đã có hỗ trợ gì đến các đơn vị này?
Trước những khó khăn của các văn nghệ sĩ, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực VHNT, sở đã chủ động nắm tình hình, đề xuất UBND TP các giải pháp hỗ trợ. Sở phối hợp với Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đề xuất chính sách chăm lo cho các văn nghệ sĩ lớn tuổi, có nhiều cống hiến cho VHNT TP nhiều năm qua, hiện sức khỏe yếu, gặp nhiều khó khăn. Sở cũng đã giao các đơn vị trực thuộc có giải pháp hỗ trợ giảm chi phí thuê địa điểm biểu diễn đối với một số nhà hát do sở quản lý. Việc tổ chức các hoạt động VHNT thời gian tới sẽ góp phần mang đến nhiều sản phẩm tinh thần cho công chúng thành phố, tạo đà phát triển cho thị trường biểu diễn nghệ thuật.