Tham dự chương trình có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Học Bác để vượt mọi khó khăn thử thách
Tại buổi giao lưu, GS Hoàng Chí Bảo cho biết, cả cuộc đời của Bác sống vì dân, vì nước. Chỉ riêng cái tên của Bác là Nguyễn Ái Quốc, đã thể hiện lẽ sống yêu nước, thương dân của Người. GS Hoàng Chí Bảo đã kể về câu chuyện cảm động khi Bác đến thăm gia đình một phụ nữ góa chồng, một mình nuôi 5 con nhỏ ở khu vực Hoàn Kiếm vào lúc giao thừa Tết Nhâm Dần 1962. Ngay vào thời điểm giao thừa, người phụ nữ ấy vẫn phải đi chẻ củi, gánh nước kiếm thêm vài đồng cho các con. Khi trở về nhà, bất ngờ gặp Bác, bà xúc động đánh đổ thùng nước và khóc nức nở hỏi vì sao Bác lại đến thăm người nghèo khổ như mình. Bác chờ người phụ nữ qua cơn xúc động, từ tốn trả lời rằng: “Những người như cháu mà Bác không đến thì Bác còn đến với ai nữa”.
Anh Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Funix, cho biết, cá nhân anh được “gặp Bác Hồ 2 lần”. Lần đầu tiên vào năm 1976 khi đang học lớp 8. Lúc ấy, anh làm quản ca, cùng cả lớp học bài hát Nhớ ơn Cụ Hồ - bài hát theo anh suốt thời niên thiếu. Lần thứ 2 anh “gặp Bác” là năm 2002, khi công ty nhận nhiệm vụ xuất khẩu phần mềm công nghệ thông tin vào nước Mỹ. Đây là nhiệm vụ đặc biệt khó khăn vì người Việt thời điểm đó không giỏi ngoại ngữ và công nghệ thông tin. “Vào thời điểm đó, tôi bắt gặp quyển sách Hồ Chí Minh a Life của nhà sử học người Mỹ. Tôi đã đọc một mạch về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh và mất 2 năm để dịch sang tiếng Việt, cô đọng thành 5 bài học”- anh Nam chia sẻ.
Họa sĩ Đặng Ái Việt tâm sự: Trong 9 năm tôi đi vẽ chân dung các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, rất nhiều người đã hỏi tôi là họa sĩ đi vẽ là vì sự đam mê. Vâng, nghệ sĩ phải có đam mê, nhưng hơn cả đam mê, là tôi làm theo lời Bác dạy. Tôi đang làm điều Bác đã dạy: Nghệ sĩ phải là chiến sĩ. Tôi là người chiến sĩ, đã là nghệ sĩ thì việc sáng tác phải gắn bó với phục vụ nhân dân. Tôi là họa sĩ và tôi tin vào điều Bác Hồ dạy, tin dân tộc ta sẽ có nền văn hóa ngoài văn hóa yêu nước còn là nền văn hóa vẻ vang…
Lời dạy của Bác vẹn nguyên giá trị
Phát biểu tại chương trình giao lưu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng ngời sáng về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người đã để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu, là tư tưởng, đạo đức, phong cách và thời đại Hồ Chí Minh. Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến việc bồi dưỡng, xây dựng và nêu gương người tốt, việc tốt. Người từng căn dặn: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Những lời dạy của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Thủ tướng nêu rõ: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Bộ Chính trị ban hành nhiều chỉ thị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, mà gần đây nhất là Chỉ thị số 05 (ngày 15-5-2016). Đây là một văn bản quan trọng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt được kết quả cao hơn nữa, ngày càng có nhiều điển hình tiên tiến, nhiều nhân tố mới, bài học hay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý cần làm thật tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để cùng nhau nhận thức sâu sắc hơn về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành một nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, của nền văn hóa và con người Việt Nam… Đồng thời, cần nghiêm khắc phê bình, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, nói không đi đôi với làm; kiên quyết đẩy lùi nạn tham nhũng, quan liêu, thói vô cảm, vô trách nhiệm và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội…
Tại buổi giao lưu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 5 cá nhân và 20 điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ.
Cùng ngày, kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại Nhà 67 trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch - nơi Người từng sống và làm việc cho đến ngày cuối cùng. |