Âm thầm đồng hành cùng người nghèo
Nhắc lại khoảng thời gian hơn một năm trước, chị Vòng Thị Thu (ngụ phường Phước Bình, quận 9, TPHCM) không thể quên chuyện ập xuống gia đình mình. Nhà có 6 nhân khẩu thì tới 3 người bệnh, 2 con nhỏ đang tuổi ăn học, vì vậy đôi vai chị Thu phải cố gồng lên gánh vác. Nỗ lực là vậy nhưng kinh tế gia đình chị luôn thiếu trước hụt sau. Biết hoàn cảnh của gia đình chị Thu, Câu lạc bộ (CLB) “Thắp sáng niềm tin” đã đến thăm hỏi, động viên và tìm hiểu nguyện vọng để giúp chị thoát nghèo.
“Đi phụ việc nhà, phụ bán hàng nên chị Thu cũng biết nấu một số loại nước mát. Chúng tôi động viên chị nấu nước, đóng chai đăng bán online để có thêm thu nhập”, bà Đoàn Thị Kim Ngoan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phước Bình (kiêm Chủ nhiệm CLB) cho biết. Được CLB tặng 4 triệu đồng tiền vốn, chị Thu khởi nghiệp và đến nay, lượng khách đặt nước của chị ngày một tăng giúp chị có thu nhập chăm lo gia đình.
Sau hơn 7 năm hoạt động, CLB “Thắp sáng niềm tin” đã trở thành chỗ dựa cho nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn phường. Ngoài hỗ trợ các em học sinh trả nợ học phí cho nhà trường, trao học bổng, tặng xe đạp… để các em tiếp tục được đến lớp, CLB còn chú trọng thăm hỏi, hỗ trợ phụ nữ khuyết tật, trẻ em bị bệnh nan y, gia đình nữ tù chính trị bằng cách trao tặng sổ tiết kiệm để họ có khoản tiền xoay xở chữa bệnh. Đều đặn mỗi tháng, CLB tặng 400 suất quà (trị giá khoảng 500.000 đồng/suất) là nhu yếu phẩm cho các gia đình khó khăn trên địa bàn. Ngay trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, CLB cũng đã đóng góp hơn 150 triệu đồng cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ phường hỗ trợ cho các gia đình đang thuê nhà trọ.
Góp phần vào phong trào thi đua yêu nước chung của thành phố, nhiều năm qua, đồng bào Công giáo ở TPHCM đã có những hoạt động thiết thực, nghĩa tình và giàu tính nhân văn để quan tâm cộng đồng, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trong xã hội cũng như ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai trên khắp cả nước.
Công tác này thu hút sự chung tay tham gia của nhiều giáo dân tại các giáo xứ với nhiều cách làm sáng tạo. Nhất là khi dịch Covid-19 xảy ra, tại nhiều giáo xứ đã thực hiện cây ATM gạo để phát cho người nghèo. Nhiều linh mục cũng sản xuất nước rửa tay để trao tặng người khó khăn, lang thang, bán vé số; các tu sĩ thì âm thầm đến chăm sóc người già yếu; các nhà thờ đã tăng cường nấu các suất ăn để người khó khăn, người bệnh có bữa cơm ngon.
Linh mục Phan Khắc Từ, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TPHCM, cho biết, trong 5 năm qua, đồng bào Công giáo thành phố đã tham gia các hoạt động thiện nguyện với số tiền hơn 270 tỷ đồng; hàng vạn suất ăn từ thiện cho người lang thang, cơ nhỡ đã góp phần vào công tác chăm lo an sinh xã hội của thành phố. Ngoài ra, hơn 22.000 lượt người đã tham gia hiến máu để cùng Hội Chữ thập đỏ làm tốt công tác cứu người. Những tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của đồng bào Công giáo gắn kết với phong trào thi đua yêu nước, “sống tốt đời đẹp đạo”, góp phần xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Làm để nhiều người có niềm vui
Bà Trần Thị Hạnh (Phó Trưởng ban điều hành khu phố 3, phường 14, quận 6) chia sẻ, nơi bà sinh sống phần nhiều là người Hoa, tiếp xúc với mọi người, bà nhận thấy trẻ em người Hoa không rành nói và viết tiếng Việt nên việc học ở trường đuối hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Trong khi đó, các gia đình người Hoa cũng không mấy quan tâm đến chuyện học hành của con nên các bé có nguy cơ chán nản dẫn đến nghỉ học giữa chừng.
Thương đám nhỏ, khoảng năm 2000, bà Hạnh mở lớp dạy kèm môn Toán, tiếng Việt cho các bé trong độ tuổi cấp 1. Gần 20 năm qua, đều đặn mỗi ngày 2 ca (sáng và chiều), bà Hạnh miệt mài rèn chữ, rèn phát âm cho hàng chục em nhỏ. “Nghỉ học sớm trước hết là thiệt thòi cho các cháu, sau là gây nhiều nguy cơ tệ nạn xã hội cho cộng đồng. Nghĩ vậy nên tôi kéo các cháu về nhà dạy học”, bà Hạnh chia sẻ.
Nhiều cô cậu học trò ngày nào còn cắp sách tới nhà bà Hạnh học chữ, nay đã học xong đại học, ra trường và có việc làm ổn định. Đáng quý hơn là việc làm ý nghĩa của bà Hạnh đã truyền cảm hứng thiện nguyện cho anh Trần Mạnh Thành Hiếu, 30 tuổi (con trai bà Hạnh). Anh Hiếu cũng đã có 11 năm dạy kèm miễn phí cho học sinh độ tuổi cấp 2 trong khu phố.
Luôn nghĩ đến cộng đồng, nên dù tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm sút, nhưng thương binh hạng 2/4, tỷ lệ thương tật 61% Trang Hồng Châu (Chủ tịch Hội Đông y quận 8) vẫn tận tụy với nghề, với những chuyến đi khám bệnh cho bà con nghèo ở vùng miền xa của Tổ quốc. “Ở những nơi xa ấy, điều kiện y tế còn hạn chế nên việc được chăm sóc y tế đối với họ là điều xa xỉ. Trước mỗi chuyến đi, tôi đều cân nhắc và lên kế hoạch thật kỹ lưỡng, vận động các mạnh thường quân, ai có thuốc góp thuốc, có sức góp sức, có quà góp quà để người dân được khám bệnh, phát thuốc và còn có ít quà là nhu yếu phẩm”, ông Châu chia sẻ.
Trung bình mỗi chuyến đi, đoàn khám bệnh cho gần 300 người dân. Từ Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh đến Bình Phước, Gia Lai đều có bước chân của đoàn thầy thuốc do ông Châu khởi xướng. Trong 5 năm qua, ông còn vận động các mạnh thường quân ủng hộ hơn 9 tỷ đồng để tổ chức khám bệnh nhân đạo, tặng quà cho hơn 53.230 lượt người khó khăn trên địa bàn quận, thành phố và các tỉnh vùng sâu, vùng xa.
Nếu nhiều người nghĩ đi hiến máu sẽ làm bản thân mất sức khỏe thì với ông Lâm Kiến Phước (55 tuổi, ngụ quận 8), mỗi lần cho máu xong lại thấy vui, hạnh phúc nên càng thêm khỏe mạnh. Hơn 26 năm qua, đều đặn cứ 3 tháng một lần, ông lại cho đi những giọt máu hồng của mình với ước mong sẽ giúp cứu sống một sinh mạng nào đó. Ông Phước vẫn nhớ như in lần đầu tiên đi đăng ký hiến máu, đó là vào những ngày cuối năm 1994.
“Lần đó tôi hiến 250cc máu. Các bác sĩ nói sẽ chuyển máu của tôi đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương để mổ cứu người. Cũng lần đó, tôi biết mình nhóm máu O, có thể cho được rất nhiều người khác nhóm máu. Vậy là tôi có thêm động lực tích cực tham gia phong trào nhân văn này”, ông Phước bày tỏ.
Bằng tinh thần thiện nguyện, đến nay, ông Phước đã có 97 lần tham gia hiến máu khi Hội Chữ thập đỏ các cấp tổ chức. Ngoài hiến máu, ông còn tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp cùng tham gia.
Nghệ thuật truyền thống ngày càng mai một, nhất là trong thời đại ngày nay. Để đưa loại hình truyền thống hát bội đến với khán giả, suốt 5 năm qua, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội (Sở VH-TT TPHCM) đã tích cực nghiên cứu, phân tích các tác phẩm văn học, tài liệu lịch sử nhằm sáng tác, chỉnh sửa, dàn dựng, phục hồi các kịch bản hát bội phục vụ cho biểu diễn, tham gia hội thi, hội diễn… giúp loại hình này dễ dàng tiếp cận công chúng hơn. Những tác phẩm đáng chú ý như vở Lê Công kỳ án, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Cảnh… Hàng năm, ngoài thực hiện chức năng tổ chức các giải thi đấu thể thao, cung cấp trên 2.595 vận động viên thể thao cho tuyến thành phố, Trung tâm TDTT quận 1 còn triển khai nhiều chương trình huấn luyện kỹ năng bổ ích như: phổ cập bơi, võ tự vệ, phối hợp liên đoàn lao động hướng dẫn thể dục giữa giờ cho cán bộ, công nhân… Bên cạnh đó, trung tâm còn tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật đường phố, tổ chức các lớp đờn ca tài tử miễn phí cho người dân; đặc biệt là duy trì công tác “thể thao từ thiện” để cùng các đơn vị đóng góp hàng tỷ đồng cho quỹ từ thiện, xã hội của thành phố. |