Là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, để phát huy giá trị tài nguyên bản địa, Đồng Tháp đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2019, Đồng Tháp triển khai thực hiện 27 nhiệm vụ khoa học và công nghệ với tổng kinh phí được phê duyệt trên 53 tỷ đồng. Trong đó có 13 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp với kinh phí là 19,2 tỷ đồng. Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng việc ứng dụng khoa học và công nghệ đến với nông dân thông qua nhiều mô hình, hay cách làm mới, nổi bật là mô hình Hội quán nông dân; xúc tiến hợp tác với Trường Đại học Bách khoa TPHCM nghiên cứu về xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, làng thông minh...
Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Đồng Tháp ưu tiên tập trung nguồn lực để phát triển giáo dục và đào tạo, mạng lưới trường, lớp học và trang thiết bị dạy học ở các bậc học, cấp học được quan tâm đầu tư. Hàng năm, ngân sách chi sự nghiệp giáo dục trên 3.200 tỷ đồng (chiếm 27% trên tổng chi ngân sách địa phương).
Lắng nghe và ghi nhận từng kiến nghị của địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu địa phương chủ động tháo gỡ khó khăn bằng cách linh hoạt vận dụng cơ chế, mạnh dạn nhân rộng các mô hình hay, mang tính đột phá. Nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ đối với sự phát triển của xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đổi mới phương pháp quản lý, phối hợp trong từng lĩnh vực. Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục cần đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường bồi dưỡng, tập huấn giáo viên để nâng cao chất lượng giảng dạy, cách thức và nội dung tập huấn phải phù hợp thực tế, quan tâm đào tạo kỹ năng. Phó Thủ tướng đề nghị Đồng Tháp nghiên cứu cơ chế đặt hàng, trước hết là cho Trường Đại học Đồng Tháp, để bồi dưỡng, tập huấn giáo viên thường xuyên.
“Quan trọng nhất là các đồng chí phải đổi mới phương pháp quản lý giữa Sở GD-ĐT với các phòng, các trường; quản trị trong các trường; phương pháp giảng dạy của giáo viên. Đổi mới phương pháp giảng dạy phải bắt đầu ngay, đừng đợi chương trình, sách giáo khoa”, Phó Thủ tướng nói. Đánh giá cao tỉnh Đồng Tháp tiên phong xây dựng các mô hình mới, hiệu quả điển hình như Hội quán nông dân, Phó Thủ tướng đề nghị nhân rộng các mô hình không chỉ trong tỉnh hay khu vực mà trong phạm vi cả nước. Bằng công nghệ thông tin, địa phương cần chia sẻ các mô hình hay, cách làm tốt trên mạng xã hội để cùng lan tỏa, học tập và phát huy hiệu quả, Phó Thủ tướng đề nghị.