Thúc đẩy kinh tế địa phương
Địa bàn quận 5 có 28 đơn vị du lịch - lữ hành. Các đơn vị này đã phối hợp quảng bá, bán sản phẩm tour trên các nền tảng trực tuyến như Facebook, YouTube, TikTok…, và sử dụng các phương tiện mô phỏng như kính ảo VR để trải nghiệm trực quan sinh động điểm du lịch. Việc truyền tải các thông tin về hoạt động du lịch trên nền tảng trực tuyến đã tạo được ấn tượng, đáp ứng tối đa nhu cầu trải nghiệm thông tin của du khách. Quận 5 cũng giới thiệu những nét đặc trưng về văn hóa - xã hội, các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống trên địa bàn quận; gắn kết du lịch với mua sắm cùng các dịch vụ hỗ trợ tiện ích cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Các đơn vị như Công ty TNHH Du lịch Việt Vui, Công ty TNHH Sinh Café… đã thiết lập các tour du lịch đến thăm các hội quán, chùa chiền, tham quan mua sắm tại các khu phố chuyên doanh và nghỉ ngơi tại các khách sạn ở quận 5. Qua ghi nhận, trong tổng số khách du lịch đến quận ở thời điểm trước dịch Covid-19 cho thấy, các nội dung marketing online đã thúc đẩy khoảng 30%-50% lượng khách nội địa và nước ngoài quan tâm, đến tham quan khu vực quận 5 - Chợ Lớn.
Huyện Củ Chi, với thế mạnh là phát triển nông nghiệp, cũng không nằm ngoài dòng chảy ứng dụng KH-CN. Trong 10 năm qua, huyện Củ Chi đã ứng dụng mạnh mẽ KH-CN vào lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và các mô hình ứng dụng cho các hợp tác xã. Việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất đã góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của huyện, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy được lợi thế vùng nguyên liệu của huyện.
Theo đại diện UBND huyện Củ Chi, việc triển khai và nhân rộng mô hình ứng dụng KH-CN vào sản xuất đã đạt hiệu quả cao, nhất là tại các xã xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển đổi theo hướng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị và hiệu quả kinh tế như: rau an toàn, hoa lan, bò sữa, cá cảnh... Đến nay, trên địa bàn huyện Củ Chi có 7 sản phẩm OCOP (sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm) được TPHCM công nhận 4 sao, 1 sản phẩm OCOP đề nghị Trung ương công nhận 5 sao.
Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân
Được người quen giới thiệu lô đất thổ cư ở phường Thạnh Lộc (quận 12), nhưng khi đến xem thì thấy không giống như mô tả ban đầu, anh Nguyễn Dũng (ngụ quận 12) lấy điện thoại mở ứng dụng “thông tin quy hoạch quận 12” và nhập tọa độ thửa đất để kiểm tra. Chưa đến 5 phút thao tác trên điện thoại, anh Dũng đã kiểm tra được từng chi tiết của thửa đất từ diện tích, hiện trạng trên bản đồ quy hoạch trực tuyến.
Ứng dụng thông tin quy hoạch quận 12 là một trong nhiều ứng dụng KH-CN được đưa vào hoạt động nhằm đáp ứng việc xây dựng đô thị thông minh theo định hướng chung của TPHCM. Phó Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Minh Chánh cho biết, nhờ ứng dụng KH-CN, các hoạt động quản lý tại UBND quận được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả. Trong đó, có việc cấp phép kinh doanh hộ cá thể; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đối với một số ngành nghề; đăng ký sử dụng lao động; quản lý thông tin doanh nghiệp; quản lý xây dựng; quản lý đất đai.
Cùng với quận 12, thời gian qua nhiều quận huyện và TP Thủ Đức đã ứng dụng khá tốt KH-CN vào việc giải quyết thủ tục hành chính. Tại quận 1, công tác quản lý nhà nước về KH-CN được đánh giá đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, quận 1 đã triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ đạt hiệu quả cao như: Phần mềm đăng ký tuyển sinh đầu cấp lĩnh vực giáo dục - đào tạo; phần mềm khảo sát ý kiến người dân qua hệ thống thiết bị điện tử; xây dựng ứng dụng tư vấn thủ tục hành chính trực tuyến trên nền tảng di động “Quận 1 trực tuyến”. Quận 1 cũng triển khai phần mềm “Định danh công dân điện tử” hoạt động trên tất cả thiết bị kết nối internet, thí điểm mô hình đô thị thông minh, giúp người dân và tổ chức dễ dàng thực hiện các bước đăng ký thủ tục hành chính không giấy và tra cứu tình trạng hồ sơ bằng công cụ nhận diện khuôn mặt.
Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 1 Hoàng Thị Tố Nga, quận đã chủ động mời các chuyên gia công nghệ cao, các đơn vị tư vấn giải pháp công nghệ thông tin tiếp cận kế hoạch để giới thiệu các sản phẩm công nghệ phù hợp với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh tại quận 1. Đồng thời, triển khai mô hình Trung tâm điều hành Đô thị thông minh được tích hợp cùng 8 hệ thống thông minh: camera an ninh, phòng cháy chữa cháy, quản lý đô thị, quản lý giáo dục, y tế, du lịch, dịch vụ công trực tuyến và hệ thống điều hành an toàn thông tin mạng trên địa bàn quận. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần nâng cao hiệu quả trong xử lý công việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Tương tự, quận Bình Tân ứng dụng AI trong quản lý trật tự xây dựng. Bên cạnh đó, nhiều sở ngành, địa phương đã ứng dụng hệ thống Chatbot/Voicebot để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, thủ tục hành chính…
Từ năm 2019, TPHCM đã tổ chức Giải thưởng Sáng tạo TPHCM, ban hành Đề án tổ chức Phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TPHCM giai đoạn 2020-2030. Các ngành, các đơn vị cũng tổ chức nhiều hội thi, giải thưởng. Đây là những giải pháp cụ thể, hiệu quả cao trong tuyên truyền, khuyến khích, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân và người dân TPHCM tăng cường ứng dụng, nghiên cứu, sáng tạo KH-CN vào trong lao động, sản xuất, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của thành phố. Ngoài ra, TPHCM đã hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tạo sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp đến người dân trong xã hội.