Bộ Công thương đánh giá, tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa hiện nay hệ thống bán lẻ chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Thêm vào đó, hạ tầng ở các chợ truyền thống còn khá hạn chế khi hầu hết chỉ thuộc chợ hạng 2, hạng 3 hoặc là chợ tạm; số người kinh doanh tự phát tăng nhưng quy mô nhỏ và thiếu sự liên kết dài lâu. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng nhận định, ý thức người kinh doanh kém, còn hiện tượng trà trộn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng… Vì vậy, việc tổ chức các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về vùng nông thôn có ý nghĩa rất quan trọng.
Đơn cử ở Đồng Nai, dù là tỉnh có diện tích lớn nhưng trên địa bàn chỉ có 12 siêu thị và hơn 90 cửa hàng tiện lợi. Mạng lưới bán lẻ phụ thuộc vào 169 chợ truyền thống và đa phần là chợ hạng 2, hạng 3. Chính vì thế, mỗi lần hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức đều thu hút đông người dân tham quan, mua sắm. Có thể kể tới như Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, đã thu hút sự tham gia của 150 DN với hơn 300 gian hàng. Trong suốt những ngày diễn ra hội chợ, nhiều người tiêu dùng Đồng Nai đã đến tham quan và chọn cho mình những sản phẩm ưng ý nhất.
Bà Nguyễn Thị Mai (ngụ phường Trung Dũng, TP Biên Hòa) cho biết, năm nào hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao diễn ra tại tỉnh Đồng Nai, bà và gia đình đều luôn đến sớm tìm hiểu trước về các sản phẩm, mẫu mã xem có sự khác biệt gì, sau đó mới quyết định mua. Bà Mai đánh giá chất lượng sản phẩm ở hội chợ khá tốt, bởi có những DN lớn, buôn bán đàng hoàng. |
Hay gần đây nhất ở Phú Thọ - một tỉnh thuộc vùng miền núi phía Bắc, phiên chợ đưa hàng Việt về huyện Tân Sơn được tổ chức vào cuối tháng 11-2019 đã giới thiệu nhiều sản phẩm phong phú, từ nông sản, hàng may mặc, đặc sản địa phương đến thủy hải sản chế biến, nước mắm... là những mặt hàng thiết thực với người dân miền núi.
Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công thương (thuộc Sở Công thương tỉnh Phú Thọ), từ nguồn hỗ trợ của Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, thời gian qua, Phú Thọ đã tổ chức nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi. Các phiên chợ luôn nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân và ngày càng có nhiều DN đăng ký tham gia chương trình, cho thấy hiệu quả, sức lan tỏa của các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi ngày một lớn…
Nhiều ý kiến cho rằng, có thể việc tổ chức những hội chợ này ở các địa phương quy mô vẫn còn nhỏ, khiêm tốn, chỉ thu hút khoảng hơn trăm DN tham gia, nhưng chính những hoạt động này đã tạo sự lan tỏa, mang ý nghĩa lớn.
Cụ thể là tạo cơ hội giới thiệu tiềm năng phát triển thương mại, giúp DN và người tiêu dùng gặp gỡ để DN nắm bắt thị hiếu tiêu dùng theo từng khu vực, tạo mối liên kết, xây dựng uy tín, nâng cao sức cạnh tranh. Qua các phiên chợ hàng Việt cũng giúp người dân hiểu biết hơn về các sản phẩm hàng hóa, được định hướng tiêu dùng và tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt, mua sắm sản phẩm có thương hiệu, rõ nguồn gốc xuất xứ…
Bản thân các DN cũng đều nhận thức, việc tham gia mỗi kỳ hội chợ không chỉ là cơ hội để quảng bá, xúc tiến sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng mà quan trọng hơn, đó chính là hợp tác lâu dài với các đối tác kinh doanh. Hiệu quả của hội chợ, hay các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ là giải pháp quan trọng để hàng Việt cất cánh.