Luôn phấn đấu để cống hiến
Đầu tháng 3, chúng tôi đến vùng “đất thép thành đồng” Củ Chi thăm thầy Nguyễn Văn Cải - người thầy của những học trò nghèo ở Củ Chi, một trong những gương Công dân tiêu biểu TPHCM năm 2010. Thầy Cải bây giờ tóc đã lấm tấm bạc nhưng vẫn đầy lòng nhiệt huyết như năm nào.
Sắp xếp lại chồng tài liệu còn dang dở, thầy Cải tâm sự, 13 năm qua, danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM luôn là động lực to lớn để thầy phấn đấu làm việc. Năm 2010, thầy Cải khi đó là trợ lý thanh niên Trường THPT Quang Trung được vinh danh Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM bởi ý chí vươn lên từ nghèo khó để học tập, trở thành một thầy giáo dạy văn. Từ cậu học trò từng được cố Thủ tướng Phan Văn Khải gọi là nghèo nhất Củ Chi, ở nhà tranh vách lá, cơm không đủ ăn, nhiều lần có ý định bỏ học, nay thầy Cải đã trở thành Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung. Giờ đây, khi đã là một giáo viên sáng tạo, một cán bộ quản lý giáo dục trách nhiệm, thầy luôn dành tâm huyết để hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó.
Thầy Cải kể, năm 2002, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm, thầy bỏ qua mọi lời mời từ các đơn vị để về công tác tại Trường THPT Quang Trung - nơi thầy từng học. Nói theo cách của thầy là “muốn quay về để trả ân tình cho chính nơi đã nuôi dưỡng mình”. Từ khi đứng trên bục giảng đến lúc trở thành cán bộ quản lý, thầy không ngừng trau dồi, phát huy, đổi mới phương pháp giáo dục, tăng cường hoạt động công tác Đoàn thanh niên của nhà trường… Với sự nỗ lực của tập thể, nhiều năm liền Trường THPT Quang Trung là đơn vị dẫn đầu khối thi đua các trường THPT trên địa bàn huyện.
Có lẽ, vì đã trải qua tuổi thơ gian khó nên thầy hiểu hơn ai hết nỗi niềm của những học trò nghèo. Tâm niệm làm thế nào để không một trò nào vì nghèo khó mà bỏ học luôn đau đáu nên thầy Cải luôn chú trọng công tác khuyến học. Ngay khi về trường, thầy đã tham mưu với hiệu trưởng thành lập ngay hội khuyến học để hỗ trợ học trò nghèo vượt khó. Đây cũng là hội khuyến học đầu tiên của khối trường học trên địa bàn TPHCM.
“Mỗi năm, Trường THPT Quang Trung có khoảng 100 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nếu không quan tâm kịp thời các em sẽ có nguy cơ bỏ học giữa chừng”, thầy Cải chia sẻ. Thương trò, các thầy cô đã huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ kịp thời cho các em. Có lẽ, ít ngôi trường nào lại vận động xây dựng được 43 căn nhà tình thương cho học trò nghèo vượt khó. Mỗi năm, trường trao 300 suất học bổng, hỗ trợ dụng cụ học tập, phương tiện để các em đến trường… Phong trào khuyến học của nhà trường ngày càng lan tỏa, nhiều học sinh sau khi ra trường đã quay trở về để hỗ trợ nhà trường tiếp tục chương trình khuyến học.
Với thầy Cải, cống hiến thì không bao giờ là đủ. Năm 2010, khi đi nhận danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM, thấy những công dân khác quá sáng tạo, không để thua thiệt, thầy quyết tâm tìm tòi thêm ở các lĩnh vực khác. Năm 2014, thầy Cải học trồng lan. Khởi đầu có nhiều khó khăn nhưng để xứng đáng với danh hiệu, thầy đã nỗ lực vượt khó, vườn lan từ chưa đầy 1.000m2 nay đã được mở rộng thành 2.000m2, không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn trở thành nơi kết nối các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp.
“Tôi không gọi đây là thành công, nhưng tại đây tôi chia sẻ với các bạn trẻ rằng tôi làm được thì các bạn sẽ làm được, nếu chịu dấn thân. Ban đầu có thể thất bại nhưng nếu dốc hết tâm huyết thì ắt sẽ làm được”, thầy Nguyễn Văn Cải tâm sự.
Truyền lửa tinh thần sáng tạo
Với anh Bùi Thanh Nghị, Phó Giám đốc Trung tâm Tân Đức (thuộc Tổng Công ty Liksin), danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM chính là niềm vinh dự rất lớn, tạo động lực để anh tiếp tục sáng tạo và được tiến cử ở những vị trí mới.
Trước đây, khi phụ trách việc quản lý chất lượng ở mảng bao bì, anh Nghị luôn trăn trở làm thế nào để cải tiến công nghệ sản xuất nhằm tăng tính cạnh tranh cho đơn vị trên thị trường. Từ đó, anh đã cải tiến công thức nhựa màng thổi bảo quản nông sản từ máy 5 lớp sang máy 9 lớp. Túi đựng 9 lớp ứng dụng thành công vào thực tế có thời gian bảo quản nông sản lên đến gần 3 tháng. Từ những cải tiến này, anh Nghị đã tiếp tục cho ra đời hàng chục cải tiến mới. Đến năm 2020, với 14 cải tiến ấn tượng trong lĩnh vực bao bì, anh được nhận danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM.
Không dừng lại ở đó, sau khi được tuyên dương, năm 2021 nhóm sản xuất của anh Nghị tiếp tục cho ra đời ý tưởng mới về bao bì. Mẫu bao bì mới giảm đến 20% độ dày, giảm rác thải nhựa nhưng vẫn đảm bảo được tính năng bảo quản thực phẩm. Theo anh, với loại bao bì mới này, có thể giảm hoặc không cần dùng đến chất bảo quản mà thực phẩm vẫn bảo quản được đến 18 tháng. Đặc biệt, bao bì này có thể tái sử dụng nhiều lần. Sáng kiến này của anh đã được một đơn vị về thực phẩm sử dụng và được Tổng công ty Liksin ghi nhận là sáng kiến của năm. Với những đóng góp của mình, anh được tin tưởng bổ nhiệm vị trí quản lý.
Anh Nghị chia sẻ, khi nhận danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM, cũng là lúc áp lực trách nhiệm cao nên đòi hỏi mình phải dấn thân nhiều hơn nữa. Với anh Nghị, ý nghĩa của danh hiệu không dừng lại ở việc công nhận mà đó còn là sự khích lệ để những công dân như anh tiếp tục sáng tạo, truyền lửa cho thế hệ kế thừa. Anh luôn tâm niệm, làm thế nào để truyền tải được những kinh nghiệm của mình cho thế hệ sau, khuyến khích các em dấn thân sáng tạo, cống hiến. Khi truyền lửa cho thế hệ sau, anh luôn nhắc nhở các bạn phải không ngừng lao động sáng tạo. Với anh, giới trẻ ở TPHCM rất năng động sáng tạo nhưng phải được tạo điều kiện, được dẫn dắt, định hướng để phát huy hết tiềm lực.
Trong khó khăn phải biết vượt qua
Bác sĩ Phạm Quang Thông, công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, một trong 12 gương mặt trẻ được nhận danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2019, đến nay là tác giả của gần 20 công trình y khoa. Thậm chí, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, bác sĩ Thông vẫn cho ra đời 4 công trình nghiên cứu y khoa. Những nghiên cứu của anh nhằm đưa ra các số liệu, đánh giá sát hơn về các nhóm bệnh lý tại Việt Nam so với thế giới. Đây cũng là một trong những cơ sở để ngành y khoa đưa ra các phương pháp điều trị hợp lý hơn. Là công dân trẻ tiêu biểu, vị bác sĩ này còn ấp ủ nhiều dự án nghiên cứu về các phương pháp mới trong điều trị bệnh ung thư.
“Hiện nay, phương pháp điều trị bệnh ung thư đã phát triển nhiều, tập trung về giải phẫu, phân tích gen chứ không chỉ đánh giá lâm sàng như trước nữa. 10 năm trước, cứ mắc ung thư phổi, ai cũng nghĩ sống được 6 tháng. Nhưng với những phương pháp điều trị mới như hiện nay, có thể sống thêm 4-5 năm. Tôi sẽ tập trung nghiên cứu về các hướng điều trị này”, bác sĩ Thông trăn trở.
Từng làm việc, tham gia nghiên cứu với các giáo sư, nhà khoa học nước ngoài, bác sĩ Thông cho biết, giới trẻ TPHCM được bạn bè quốc tế đánh giá là nhạy bén, sáng tạo và chịu khó. Giới trẻ TPHCM hoàn toàn có đủ bản lĩnh để vươn tầm quốc tế trong lĩnh vực y khoa. Dù vậy, trước những khó khăn của ngành y tế thời gian qua, theo bác sĩ Thông, người trẻ nên cố gắng tìm cách vượt khó, nâng cao tay nghề để tiếp tục sứ mệnh cao cả là chăm lo sức khỏe người dân thay vì nản chí rồi tìm lối rẽ khác.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn TPHCM Ngô Minh Hải, các công dân trẻ tiêu biểu TPHCM thực sự là những tấm gương truyền cảm hứng cho tuổi trẻ thành phố, góp phần khẳng định và lan tỏa thông điệp về một thế hệ trẻ thành phố giàu nhiệt huyết, luôn dấn thân, cống hiến vì cộng đồng. Họ là những người tiên phong, luôn đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào nhiệm vụ, công tác chuyên môn với khát khao xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM trở thành đô thị thông minh, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Nhiều tấm gương sau tuyên dương đã được giới thiệu đại diện tuổi trẻ thành phố tham gia các chương trình, hội nghị, diễn đàn, tọa đàm để phát biểu ý kiến, đóng góp ý tưởng cho sự phát triển chung. Có những tấm gương đã trở thành đại sứ các chương trình, chiến dịch tình nguyện của tuổi trẻ thành phố...