Bằng cách chọn phong cách thi đấu cống hiến trên sân cỏ, thái độ fair-play khi ứng xử trên sân, xây dựng hình ảnh thân thiện với người hâm mộ, biết làm việc và tạo được các mối quan hệ có chất lượng, các cầu thủ thuộc lứa U19 năm 2014 của HA.GL đã tạo nên một xu thế có tính biểu tượng của V-League. Mọi sân bóng mà họ có mặt, lượng khán giả tăng gấp 2 - 3 lần so với mức bình quân. Mùa giải này, dưới sự dẫn dắt của danh thủ Kiatisak, người cũng được mến mộ bởi phong cách thi đấu đẹp mắt, thì HA.GL đang tỏa sáng với vai trò ứng cử viên vô địch, những sân bóng có mặt họ càng chật kín người.
Bóng đá là môn thể thao có tính đối kháng cao, yếu tố bạo lực luôn có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Vì vậy, giới điều hành bóng đá thế giới bắt buộc phải có nghi thức hai đội bóng tiến ra sân sau lá cờ fair-play, mong muốn qua đó nâng cao ý thức bóng đá đẹp cho các cầu thủ. Tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện. Trong một môi trường cạnh tranh, khi gặp bất lợi trong thi đấu, bị các tác động từ khán đài, quyết định trọng tài, thì không dễ để cho cầu thủ hay thậm chí là ban huấn luyện đủ bình tĩnh để giữ được tinh thần fair-play.
Với hoàn cảnh có tính đặc thù của bóng đá Việt Nam, khi tính chuyên nghiệp chưa cao, việc tuân thủ luật lệ của đội bóng lẫn cầu thủ đôi lúc còn tùy hứng, đã nảy sinh những hành động ứng xử không đẹp trong và cả ngoài sân cỏ. Như việc CLB nợ lương cầu thủ suốt gần 1 năm đến mức cầu thủ lãn công, ra sân đá bóng mà không cần tập luyện thì khác gì coi thường khán giả. Hoặc cầu thủ phản đối trọng tài theo kiểu “động chân, động tay”, dẫn đến kiện tụng cá nhân, làm xấu hình ảnh của bóng đá. Ngăn ngừa tiêu cực là vấn đề thuộc về những nhà quản lý, nhưng quan trọng hơn, là cần phải lan tỏa những yếu tố tích cực.
Việc HA.GL tạo ra được lực lượng CĐV trên quy mô toàn quốc, hoặc các đội bóng Nam Định, Bình Định dù thi đấu chưa thành công, vẫn được sự tin tưởng tuyệt đối từ khán giả địa phương, cho chúng ta thấy cách thức mà vẻ đẹp bóng đá có thể lan tỏa. Nó phải bắt đầu bằng mục đích thi đấu của các CLB. Một đội bóng nếu mang trên mình giá trị địa phương, có yếu tố “màu cờ sắc áo”, thì cầu thủ ra sân sẽ chơi hết mình và giữ gìn hình ảnh cho đội nhà. Khi áp lực thành tích không lớn bằng yếu tố cống hiến, phục vụ thì cầu thủ cũng biết kiểm soát hành vi.
Song, gốc rễ vẫn là khâu đào tạo, ngoài chuyên môn cũng cần trợ giúp các cầu thủ hoàn thiện kỹ năng sống, tư duy. Không phải ai cũng có thể trở thành ngôi sao, nhưng họ hoàn toàn có thể trở thành những “công nhân đá bóng” có tay nghề cao, biết quý trọng nghề nghiệp của mình.
Bóng đá đẹp, lối chơi cống hiến, cách hành xử văn minh khi được bảo vệ, lan tỏa sẽ góp phần tạo nên xu hướng để các CLB tự thay đổi phong cách thi đấu của mình. Khán giả cũng cần có được sự chăm sóc tốt hơn, để tạo ra một mối liên hệ khăng khít với đội bóng, truyền cảm hứng cho cầu thủ và nhận được sự cống hiến nhiều hơn.