
Tham dự chương trình có bà Trần Thị Phương Lan, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT-DL; đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan và các sở, ngành tại TPHCM...
Theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2025 kêu gọi mọi người cùng khám phá cách thức mà quyền sở hữu trí tuệ cùng các chính sách đổi mới sáng tạo trao quyền cho các chủ thể sáng tạo để đem lại những ý tưởng mới cho ngành công nghiệp âm nhạc, bảo vệ tác phẩm của các nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn…
“Chương trình giới thiệu, giao lưu về bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc như một diễn đàn để trao đổi nhiều nội dung thú vị, bổ ích về quyền tác giả, quyền liên quan; góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Đặc biệt, trong thời đại kỷ nguyên số, điều này rất cần thiết để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển ngành công nghiệp âm nhạc nói riêng, công nghiệp văn hóa nói chung”, ông Trần Hoàng nói.
Âm nhạc là một trong 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa Việt Nam. Quyền tác giả, quyền liên quan đã tăng cường sự kết nối liên ngành từ âm nhạc tới điện ảnh, giải trí và công nghệ, thời trang, trò chơi điện tử và hàng tiêu dùng, tạo điều kiện cho sự hợp lực sáng tạo và đổi mới giữa các lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tại chương trình, ban tổ chức đã vinh danh và tri ân 34 tác giả, nghệ sĩ, nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho âm nhạc Việt Nam và bản quyền; các đơn vị kinh doanh âm nhạc thực hiện tốt về bản quyền âm nhạc. Ngoài ra, ban tổ chức tặng quà cho các tác giả, đại diện gia đình các tác giả, nghệ sĩ, nhạc sĩ có hoàn cảnh khó khăn, tuổi cao sức yếu.


Khán giả có dịp nghe những chia sẻ của các nhạc sĩ Đức Trí, Hoài An, luật sư Phan Vũ Tuấn, nhạc sĩ - nhà sản xuất âm nhạc Kai Đinh về cách thức họ vượt qua những thách thức nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, những suy nghĩ, góc nhìn sâu sắc về trách nhiệm của cộng đồng đối với bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Các nghệ sĩ cũng đã tương tác với khán giả, chia sẻ câu chuyện thực tế liên quan nhận thức và thực hành bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trao đổi những giải pháp cụ thể, khả thi để mỗi cá nhân và cộng đồng có thể chung tay hành động hiệu quả trong bảo vệ quyền tác giả.



Khán giả theo dõi chương trình còn được thưởng thức các tiết mục đặc sắc là những ca khúc mới viết về TPHCM nhân dịp chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025); các ca khúc mang thông điệp rõ ràng về giá trị và ý nghĩa của việc bảo vệ quyền tác giả.






Ngày 26-4 hàng năm được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quyết định tôn vinh là Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới nhằm tăng cường luận bàn về vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc khuyến khích đổi mới và sáng tạo.
Năm nay, WIPO đưa ra thông điệp “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc - Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ”, để tôn vinh những đóng góp của các nhà sáng tạo, nhà phát minh và doanh nhân đã vượt qua ranh giới của sự đổi mới và sáng tạo để tạo ra âm nhạc kết nối mọi người, khơi dậy những cảm xúc mạnh mẽ, thúc đẩy sự thay đổi, truyền cảm hứng cho một tương lai nhiều đổi mới sáng tạo.