Ngoài tác giả Trịnh Hùng Cường, cũng là một nhà sưu tầm sách cổ thuộc thế hệ 8X, chương trình còn có sự tham gia của nhà báo Yên Ba và TS Mai Anh Tuấn.
Với hiểu biết phong phú về sách báo xưa của Việt Nam, Trịnh Hùng Cường thường sưu tập, khai thác và phục chế tài liệu liên quan đến lịch sử, chính trị và văn hóa Việt Nam. Ấn phẩm Lần theo dấu chữ được xem là thành quả của những năm tháng sưu tập và nghiên cứu sách cổ của Trịnh Hùng Cường.
Là tập khảo cứu đầu tiên nghiên cứu về lĩnh vực này, Lần theo dấu chữ đã lấp đầy một khoảng trống cần thiết trong nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam. Cuốn sách đi từ những ngày sơ khai của nghề in ấn ở Việt Nam, khi người Pháp mới vào Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX, cho đến năm cuối thập niên 20 của thế kỷ trước.
Cuốn sách tập hợp và phân tích nhiều nguồn tư liệu quý giá bằng ba thứ tiếng: Pháp, Anh và Việt. Tác giả đã dày công tìm kiếm thông tin từ các công báo, niên giám thời Pháp thuộc và đặc biệt là các tài liệu thư mục quan trọng như Bibliotheca Indosinica của Henri Cordier hay Bibliographie de L'Indochine Orientale của Landes.
Điểm nổi bật của cuốn sách là cách tiếp cận có hệ thống về một giai đoạn quan trọng trong lịch sử ngành in ấn Việt Nam. Tác giả không chỉ ghi lại tên tuổi các nhà in chủ chốt, năm thành lập và quá trình hoạt động, mà còn khắc họa sinh động chân dung các nhân vật tiên phong, những câu chuyện đặc sắc về hoạt động in ấn thời kỳ đầu.
Tác giả đã thành công trong việc xác định và ghi lại lịch sử hoạt động của hầu hết các nhà in trong giai đoạn 1862-1920, phác họa quá trình chuyển giao từ các nhà in của người Pháp sang sự xuất hiện của các nhà in do người Việt làm chủ và cung cấp cái nhìn tổng quan về vai trò của ngành in trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam thời kỳ đầu thuộc địa.
Cuốn sách không chỉ có giá trị về mặt học thuật mà còn là tài liệu tham khảo quý giá cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, sinh viên ngành báo chí, xuất bản và những người quan tâm đến lịch sử phát triển văn hóa Việt Nam.