Theo ông Malpass, đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều quốc gia phải vay tiền nhiều hơn. Riêng trong năm nay, khoảng 44 tỷ USD nợ ở một số nước nghèo nhất đến hạn thanh toán, lớn hơn dòng viện trợ nước ngoài mà các nước này hy vọng nhận được.
Theo WB, nền kinh tế toàn cầu đã trải qua 4 làn sóng tích lũy nợ từ năm 1970 và nhìn chung đã gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính ở nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. “Ngay bây giờ, chúng ta đang ở giữa những gì tôi nghĩ là làn sóng thứ 5 của cuộc khủng hoảng nợ”, ông Malpass nói.
WB cũng như IMF cảnh báo rằng nhiều quốc gia đang phải đối mặt hoặc có nguy cơ mắc nợ trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng và lãi suất tăng cao.
Những bình luận của ông Malpass được đưa ra vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang gặp khó khăn, phải vật lộn với lạm phát gia tăng và lãi suất tăng cao, có nguy cơ gây xáo trộn thế giới và làm chệch hướng các nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19. Một số chuyên gia cảnh báo rằng việc các nền kinh tế lớn tăng mạnh lãi suất có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng các nhà hoạch định chính sách cho rằng việc thả lỏng cho lạm phát tiếp tục tăng cao sẽ còn tồi tệ hơn.
Cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và WB tại Washington (Mỹ) dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến 16-10. Giới quan sát kỳ vọng, tại cuộc họp này, các nhà hoạch định chính sách sẽ tìm ra được đối sách hợp lý cho tình hình kinh tế thế giới hiện nay. Chủ tịch WB cho rằng, khi đối mặt với những cuộc khủng hoảng tài chính ở các nước đang phát triển, người ta nhận ra tầm quan trọng hàng đầu của các nền kinh tế tiên tiến trong việc khôi phục tăng trưởng và hướng tới một môi trường tăng trưởng nhanh hơn.
Các nước đang phát triển cũng cần nhiều dòng vốn hơn và mặc dù WB đang mở rộng sự trợ giúp cho các nước, nhưng điều đó là chưa đủ. Do đó, ông Malpass kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhiều hơn các quốc gia đang gặp khó khăn, cũng như “minh bạch hơn” về các khoản nợ.