Đây cũng là mục tiêu của Nghị quyết hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt Nghị quyết 19). Tuy nhiên, việc sáp nhập không thể chạy theo chỉ tiêu để lấy thành tích mà phải đảm bảo tính khoa học và hiệu quả.
Sau khi Trường CĐ Tài chính Hải quan sáp nhập với Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, Trường ĐH An Giang cũng trở thành thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM, Trường CĐ Kinh tế - Tài chính Vĩnh Long thành phân hiệu của Trường ĐH Kinh tế TPHCM. Tại tỉnh Bình Phước, lãnh đạo tỉnh này cũng vừa quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng Trường CĐ Bình Phước trên cơ sở sáp nhập Trường CĐ Sư phạm, Trường CĐ Y tế vào Trường CĐ Nghề Bình Phước...
Tính đến nay, cả nước có 29 trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) thuộc quản lý của UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, do quản lý nhà nước về giáo dục bị cắt khúc, chồng chéo, chỉ một số trường CĐSP trực thuộc UBND tỉnh quản lý, còn lại đa số trực thuộc Sở GD-ĐT. Đáng nói là trong các năm vừa qua, hầu hết các trường CĐSP, CĐ ở địa phương đều tuyển sinh èo uột. Vì vậy, theo các chuyên gia giáo dục, việc sáp nhập để giảm đầu mối quản lý, chi phí ngân sách... là đương nhiên.
Trong số 29 trường CĐSP, hiện có 13 trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch, đề án sáp nhập và có 16 trường chưa có kế hoạch sáp nhập. Hàng loạt trường đã lên kế hoạch sáp nhập như: Trường CĐSP Thái Nguyên sáp nhập với Trường CĐ Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên; Trường CĐ Y tế Thái Nguyên và Trường CĐSP Thái Nguyên thành Trường CĐ Thái Nguyên; Trường CĐSP Điện Biên và CĐ Kinh tế Kỹ thuật Điện Biên sáp nhập và nâng cấp thành Trường ĐH Điện Biên; Trường CĐSP Vĩnh Long sáp nhập với Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long, Trường Trung cấp Y tế và Trường Văn hóa nghệ thuật thành Trường CĐ Vĩnh Long hoạt động theo cơ chế tự bảo đảm chi thường xuyên…
Phải tính đến hiệu quả
Thực hiện Nghị quyết 19, về lĩnh lực giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, các trường thuộc Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH đều đang đẩy mạnh việc sắp xếp, sáp nhập. Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, việc sáp nhập các trường có 3 xu hướng: sáp nhập trường CĐSP vào trường ĐH (thực tế sáp nhập vào phân hiệu trường ĐH); thành lập trường ĐH trên cơ sở sáp nhập các trường CĐ; sáp nhập các trường trung cấp (TC), CĐ trong tỉnh thành trường CĐ đào tạo đa ngành.
Như Trường CĐ Kinh tế - Tài chính Vĩnh Long phải sáp nhập để trở thành Phân hiệu Trường ĐH Kinh tế TPHCM tại Vĩnh Long sau 43 năm hoạt động. Phát biểu tại lễ thành lập phân hiệu này, đồng chí Trần Văn Rón, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, mong muốn Bộ GD-ĐT hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Trường ĐH Kinh tế TPHCM sớm hoàn thành các thủ tục bàn giao và tiếp nhận người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên, tài chính, tài sản từ Trường CĐ Kinh tế - Tài chính Vĩnh Long theo quy định...
Chia sẻ về những vấn đề gặp phải khi sáp nhập, Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, cho rằng, ngoài chủ trương và các thủ tục pháp lý của cơ quan quản lý, hàng loạt vấn đề phải giải quyết như nhân sự, lộ trình chuẩn hóa, lương bổng, cơ sở vật chất… Vướng mắc nhất là chưa có văn bản nào hướng dẫn nên nếu không quyết tâm, không đồng thuận từ nhiều phía sẽ rất khó khăn thực hiện.
Hiệu trưởng một trường ĐH tại TPHCM cũng cho biết, những mục tiêu của Nghị quyết 19 là rất đúng để giải quyết những trường yếu, kém. Một trường yếu kém liên kết với một trường khác tốt hơn sẽ bổ sung và hoàn thiện các điều kiện cho nhau, mà quan trọng nhất là nguồn lực con người, cơ sở vật chất và tài chính. Do chưa có nghị định hay bất cứ quy định cụ thể nào hướng dẫn về sáp nhập, giải thể nên tất cả chỉ làm trên tinh thần tự nguyện, tự thỏa thuận. Nếu không có sự đồng thuận, làm theo kiểu “thành tích” thì nguy cơ đổ vỡ sẽ khó tránh.
- Theo mục tiêu của Nghị quyết 19, giai đoạn đến năm 2021 giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập; giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015. - Theo Nghị định 99 của Chính phủ vừa ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (có hiệu lực từ ngày 1-7-2019), để chuyển trường ĐH thành ĐH thì trường ĐH phải có ít nhất 3 trường thuộc trường ĐH được thành lập; các trường ĐH liên kết thành ĐH (cần có ít nhất 3 trường ĐH cùng loại hình công lập hoặc cùng loại hình tư thục liên kết thành ĐH hoặc có ít nhất 3 trường ĐH là trường ĐH tư và trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận liên kết thành ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận...). |